Sunday, November 21, 2021

ĐƯỜNG VÀO ĐỊA NGỤC

CHIẾN TRANH – THÂN PHẬN – TÌNH YÊU 



 

Photo credit: Unknown

 

Đức Phật để lại lời khuyên, "Có ba thứ không thể che đậy lâu dài: mặt trời, mặt trăng, và sự thật." [Three things cannot be long hidden: the sun, the moon, and the truth.] Ước gì nhân loại thấm nhuần được chân lý đó? Chẳng bí mật nào giữ mãi được? Khoa học càng văn minh bao nhiêu, sự thật lại càng khó che dấu bấy nhiêu. Người dân có thể bị đánh lừa một vài lần, nhưng không thể nhiều lần. Bạo quyền, che dấu một hai thế hệ, nhưng không thể muôn năm. Bọn đồ tể sẽ có ngày phán xét!

 

Nhìn vào trang lịch, Thứ tư 30 tháng 4 năm 1975, tâm trạng người Việt buồn vui pha trộn. Từ cảm xúc và vị trí đứng của mỗi cá nhân, chúng ta đặt tên cho ngày đó một cách trái ngược. Người bên kia sông Bến Hải sống hằng chục năm dưới chế độ cộng sản, bị gột rửa, tẩy não đến tận linh hồn, xem đó là ngày “Chiến thắng” nhưng không hẳn tất cả ai ở miền Bắc cũng suy nghĩ như vậy! Đa số người miền Nam, sinh sống sau vĩ tuyến 17 chạy dài đến mũi Cà Mâu, xem là “Tháng tư đen” hay “Ngày Quốc hận.” và cũng có số nhỏ ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản! Chưa kể đến những người hiện nay, làm việc cho vc trong nước, vì miếng cơm, manh áo, ngoài mặt vẫn phải tung hô đảng, trong lòng họ có thánh mới biết! Khi gió đổi chiều, nhóm người này sẽ nhanh nhất quay súng! Xã hội nào cũng có nhóm “cỏ đuôi chó,” bọn 30/4 sau ngày mất nước là một điển hình. Hôm trước còn là người quốc gia, qua một đêm, trở thành cộng sản! Nói đến chính trị, không làm gì có tuyệt đối. Chỉ có chân lý và sự thật là vĩnh cửu.

 

Lịch sử là tuyệt đối! Dù tốt hay xấu, vẫn là lịch sử, người chiến thắng chỉ có thể tạm thời vo tròn, bóp méo, nhưng cuối cùng, sự thật vẫn là sự thật, như mặt trăng và mặt trời. Dân tộc văn minh, là dân tộc biết tôn trọng lịch sử, dù đó là chuyện không hay với mình! Quốc gia thất bại là nơi bọn cầm quyền che dấu và bẻ cong lịch sử! Có người Việt Nam nào chứng minh được cho cả nước, và thế giới: Hồ Chí Minh không hề giết bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long) và hơn 200,000 người trong Cải cách ruộng đất 1954? Một nửa đất nước sống tại miền Nam còn lạ gì Tết Mậu Thân 1968, xác người khắp nơi? Bác và đảng mò đến đâu, máu đổ nhà tan, cửa nát  đến đó, một bọn cướp nhân danh giải phóng, mùa hè đỏ lửa 1972! Ai đời anh khố rách áo ôm, đi giải phóng người sung túc, đầy đủ? Độc tài giải phóng tự do! Mọi rợ giải phóng văn minh? Việt Nam hôm nay, đang đi vào “Nghịch lý” của mọi thời đại!

 

Người Đức, chẳng mấy ai dám tự hào về tội ác Hitler đã gây ra cho dân tộc Do Thái và nhân loại. Mời bạn đến thăm Trại tập trung Sachsenhausen, tại thành phố Oranienburg, Germany, nơi đây chính quyền Hitler, Đức Quốc Xã, đã giam giữ những tù nhân chính trị từ năm 1936 – 1945. Con trai lớn của Joseph Stalin - Thủ tướng gần cuối cùng của Pháp, Paul Reynaud – Thủ tướng Tây Ban Nha thời nội chiến Francisco Largo, và rất nhiều nhân vật nổi tiếng tại Châu Âu, đều đã trải qua những năm tháng tù tội, giá lạnh tại địa ngục Sachsenhausen. Một lịch sử của tội ác, diệt chủng! Nhưng chính phủ Đức ngày hôm nay không hề chối bỏ, trại tập trung Sachsenhausen được dựng lại để nhân loại có dịp đến thăm, thấy rõ tội ác của chiến tranh. Phòng triển lãm ở Sachsenhausen, còn trưng bầy bộ sách ghi tên những nạn nhân Do Thái đã bỏ mình tại trại, hình ảnh phòng giam, phòng tra tấn với đầy đủ dụng cụ kinh khủng nhất, và người tù Do Thái chỉ còn xương bọc da đang moi những xác chết đồng loại trong xe phun hơi ngạt, đem đi chôn. Mai kia sẽ đến phiên họ, kẻ trước, người sau! Sự thật chỉ tạm vắng, nhưng sẽ quay trở lại.

 

 

Bên kia bức tường là Trại tập trung Sachsenhausen | Photo credit: NTT


Doanh trại đội quân SS canh tù tại Sachsenhausen | Photo credit: NTT


Danh sách tù nhân Do Thái chết tại Sachsenhausen | Photo credit: NTT

 

Không riêng gì nước Đức, hàng xóm Campuchea cũng có phòng triển lãm Polpot với đầu lâu người xếp chồng chất lên nhau. Việt Nam, kiếm đâu ra nơi trưng bầy tội ác HCM trong chiến dịch “Cải cách ruộng đất 1954” hay hình ảnh xác người dân vô tội nằm co quắp trên Đại lộ Kinh hoàng (Quảng trị) – An Lộc cả thành phố trở thành tro bụi năm 1972 – Kontum, chiến xa cộng sản vào phố thị bắn tan hoang nhà dân? Không làm gì có! Người Việt cộng sản có biết nhục nhã về điều này? Hình như không, họ vẫn khoe hình HCM lau những giọt nước mắt cá sấu, giết người, giết hằng trăm ngàn người, nhỏ vài giọt nước mắt, thế là xong! 

 

Ngày Thứ tư 30 tháng 4 năm 1975 với một nửa đất nước đau thương quằn quại, chứng kiến đàn bò vào thành phố, hàng hàng, lớp lớp, gầy giơ xương, hàm răng mái hiên bám đầy khói thuốc lào. Cửa thiên đàng khép lại và đường vào địa ngục mở ra thênh thang!

 

Sáng sớm ngày 30 tháng 4 năm 1975, Đại đội Trinh sát 7 được lịnh thu quân ở hướng Bắc quận Phú Giáo, rút ra Liên Tỉnh Lộ 1A, sát nhập cùng Chi đoàn 2/1, M113, Thiết đoàn 1 Kỵ binh, di chuyển về hướng Nam đến Căn cứ Bố Lá, Bộ Chỉ huy Trung đoàn 7 Bộ binh.

 

Đại uý Nguyễn Văn Thống, Chỉ huy chi đoàn 2/1 Thiết kỵ, M113, đã quá quen với các đơn vị Trinh sát thuộc Sư đoàn 5, chúng tôi như anh em một nhà. Những lần hành quân trước, rất vui khi gặp nhau, Đại uý Thống thuộc khoá đàn anh, trong quân ngũ chúng tôi rất tôn trọng điều này, riêng hôm nay theo trí nhớ sau 46 năm, tôi vẫn không quên nét mặt với những vết nám, u buồn, trầm lặng của anh ngày hôm đó! Có lẽ anh biết điều gì mà tôi chưa biết?

 

Cả hai nhanh chóng phân chia nhiệm vụ, từng toán lính Trinh sát, quần áo vẫn còn ướt từ đầu gối trở xuống, vì phải lội qua những trảng nước lớn, áo thấm mồ hôi vì ba lô súng đạn, leo lên những chiếc Thiết vận xa M113. Xe của anh Thống đi trước, và xe chở bộ chỉ huy Trinh sát theo sau, cứ nhìn giàn antenna của máy truyền tin chĩa tua tủa lên trời của hai xe này, tên vc ngu dốt nhất cũng biết là xe chỉ huy. Từ xưa đến nay vẫn như thế, xe chỉ huy chỉ đi sau một hoặc hai chiếc M113 là cùng, nhờ vậy mới theo sát được diễn tiến cuộc hành quân. Chi đoàn 2/1, M113, dưới quyền Đại uý Thống, có một chiến thuật đánh giặc rất đáng nể, khi bị tấn công, xe nào thiệt hại nằm yên, còn lại toàn bộ đoàn xe Thiết vận xa lao thẳng vào mục tiêu, súng trên xe nhả đạn không tiếc, chẳng tên vc nào còn hồn vía, thi nhau bỏ chạy trước khi bị xích sắt nghiền nát! Kinh nghiệm đến từ những cuộc hành quân chung với Trinh sát 7. Vinh danh Thiết đoàn 1 Kỵ binh.

 

Trong bài viết, tựa đề “Ngày tàn binh nghiệp của tôi” tác giả Trung tá Nguyễn Minh Tánh, Chỉ huy Thiết đoàn 1 Kỵ binh, đăng trên diễn đàn Hội quán Phi Dũng, ngày 23/4/2020, kể về những ngày cuối cùng (30/4/75) tại Sư đoàn 5 Bộ binh (https://www.hoiquanphidung.com/echo/index.php/vn/item/540-ngay-tan-binh-nghi-p-c-a-toi-nguy-n-minh-tanh). Có nhiều thông tin mà cấp nhỏ như chúng tôi không biết! Theo lời kể của Trung tá Nguyễn Minh Tánh, bên cạnh đó cũng có vài chi tiết xin phép được đính chính:

 

 

1.     Chiều ngày 29 tháng 4 năm 1975. Sau cuộc họp Tham mưu thường lệ xong vào lúc 17 giờ, các đơn vị được lệnh chuẩn bị bỏ Lai Khê về Bình Dương. Các quân dụng hư hỏng, cũng như các giấy tờ không cần thiết bỏ lại phải được tiêu hủy tại chỗ. Do đó trong căn cứ Lai Khê từng đám la đỏ rực các góc trời. Xa xa vùng Phú Giáo cũng thế vì Quận Phú Giáo đã di tản.

 

Đại đội Trinh sát 7 chúng tôi không hề biết tin này! Không rõ Trung tá Đỗ Đình Vượng, Trung đoàn trưởng có biết không? Cũng có thể ông biết, và muốn đến căn cứ Lai Khê ngày hôm sau 30/4/75 để tìm hiểu thật hư, và gặp Chuẩn tướng Tư lệnh? Tuy nhiên, sau này người viết may mắn hỏi thăm một sĩ quan Không trợ Phòng 3, Sư đoàn, Trung uý Phạm Minh Huyên, anh xác nhận chuyện các phòng ban Sư đoàn đốt tài liệu là có thật. Tin kiểu này khó mà dấu được quân nhân làm việc tại các phòng ban Trung đoàn, nhưng đám lính lội rừng chúng tôi thì mù tịt!

 

2.     Các vị trong quân đội nếu không biết rõ Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh “nát” như thế nào thì chỉ nghe tôi kể sơ sơ đây cũng đủ ớn lạnh rồi! .... Thiết Ðoàn này cũng có nhiều thành tích rất đặc biệt là đã từng nuôi dưỡng cả một ổ nội tuyến mà không hay. Tháng 4 năm 1965, khi tôi bị đổi đi khỏi Thiết Ðoàn thì Việt Cộng nội tuyến trong đêm 22 rạng 23 tháng 4 lấy đi 2 chiến xa M41, một chiếc chạy về bỏ tại ngã tư Bình Hòa (Gia Ðịnh) khi chúng định dùng chiến xa này tấn công phi trường Tân Sơn Nhất, còn một chiếc chúng đem lên chiến khu của chúng vùng Tây Bắc tỉnh Tây Ninh để nghiên cứu hành quân chống Thiết Giáp ... Hai tên chủ chốt bị Việt Cộng móc nối này là Thượng Sĩ Phùng Văn Mười Hạ Sĩ Quan Quân Xa của Chi Ðoàn 1/1 CX và Trung Sĩ Nguyễn Văn Tiểng Hạ Sĩ Quan Tiếp Liệu của Chi Ðoàn 3/1 TQV. Cả 2 tên này đều đã dưới quyền tôi khi tôi Chỉ huy 2 Chi đoàn trên (Chi Ðoàn 1/1 CX năm 63-64, Chi Ðoàn 3/1 TQV năm 1965 (Tháng 7 đến tháng 12 1965) và tôi đã không dùng chúng vì lý do chúng lem nhem tiền bạc.

 

Không phải là quân nhân trong Thiết đoàn 1 Kỵ binh, chỉ là đơn vị tăng phái, hành quân bên nhau một thời gian ngắn, chắc chắn người viết không dám lạm bàn. Nhưng nói về “nội tuyến vc” có lẽ Trung tá Tánh hơi khắt khe, đây là điểm yếu của VNCH, chính ngay tại Dinh Độc Lập, tên tình báo Vũ Ngọc Nhạ, đã len lỏi vào hàng ngũ Công giáo nòng cốt, cực kỳ chống cộng của Linh mục Hoàng Quỳnh, trở thành chuyên viên liên lạc với Công giáo  cho cố T.T. Diệm và cố T.T. Thiệu. Không quân VNCH có quái thai Nguyễn Thành Trung, ném bom Dinh Độc Lập. Chúng ta yếu về an ninh tình báo, đó là sự thật, không thể chối cãi! Nếu tình báo giỏi làm sao vc vào được Dinh Độc Lập, làm cố vấn cho hai vị Tổng thống? Trùm gián điệp Phạm Xuân Ẩn, thu thập tin tình báo cho cộng sản ngay trước mũi chúng ta tại nhà hàng Givral, Continental, hay La Pagode, an ninh tình báo của VNCH ngủ quên sao? Rất mong vị huynh trưởng, khoá 5 Bộ binh Thủ Đức tha thứ cho suy nghĩ trái chiều này. Chúng tôi không dám tranh luận, đem cái sai lớn ra để thanh minh cho cái sai nhỏ, hai cái sai cộng lại không thành đúng! Sự thật đau lòng, theo suy nghĩ cá nhân, những người lĩnh đạo miền Nam Việt Nam sau năm 1963 thuộc thành phần quân nhân, đã làm hỏng đất nước trong 12 năm cầm quyền của họ. Đó là cái SAI lớn nhất.

 

 

3.  Vừa rồi khi hỏi thêm tin tức về các giây phút cuối của tướng Vỹ khi tôi không có ở bên ông, tôi được Trung Tá Tống Mạnh Hùng (Khóa 5 Thủ Ðức, Pháo Binh Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Sư Ðoàn 5 BB) cho biết là trước đó tướng Vỹ đã gọi điện thoại về Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn không có ai trả lời, ông liền chửi thề : Ð.M tụi nó chạy trốn cả rồi.”
 
 
4.  Khi nghe lệnh tiếp của tướng Nguyễn Hữu Hạnh Tham Mưu Trưởng là các đơn vị ở tại chỗ chờ bàn giao thì tướng Vỹ cho lệnh Trung Tá Nguyễn Tấn Văn, Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị Sư Ðoàn (Anh đồng hao của Tướng Vỹ) cho người ra cổng căn cứ treo cờ trắng đầu hàng, đồng thời ông nói: “Từ nay tôi không còn chỉ huy các anh nữa, các anh tự lo liệu lấy.”

 

Điều này, người viết xin góp ý: Đơn vị Trinh sát 7 chúng tôi, trong giây phút cuối của ngày Thứ tư, 30 tháng 4 năm 1975, có mặt ngay tại cổng Nam căn cứ Lai Khê cùng với Thiết vận xa M113, Chi đoàn 2/1, do Đại Uý Nguyễn Văn Thống chỉ huy. Cùng lúc đó, Trung tá Đỗ Đình Vượng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 7 đi bộ vào Bộ chỉ huy, gặp Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, cùng nhiều sĩ quan cao cấp khác, cho đến lúc Trung tá Vượng đi bộ trở ra, cùng Đại tá Từ Vấn, Tham mưu trưởng Sư đoàn: Thứ nhất, chúng tôi không hề thấy lá cờ trắng nào treo ở cổng Nam căn cứ, lúc đó vc chưa vào đến nơi, chắc chắn ai to gan ra treo cờ trắng sẽ bị bắn hạ ngay. Có thể Trung tá Tánh nghe ai nói Trung tá Văn, Tham mưu phó Chiến tranh chính trị ra lệnh, nhưng thi hành hay không là chuyện khác! Thứ hai, Trung tá Đỗ Đình Vượng là người thật sự có mặt ngoài trailer khi Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ tuẫn tiết, nhưng khi gặp chúng tôi ông không hề nói điều đau buồn này! Có thể sợ anh em binh sĩ mất tinh thần? Một vị Tướng khí khái, can đảm như Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, chúng tôi KHÔNG tin rằng ông đã nói câu: “Từ nay tôi không còn chỉ huy các anh nữa, các anh tự lo liệu lấy”. Thứ ba, qua điện thoại với Trung tá Đỗ Đình Vượng ngày 19/11/21, Trung tá Vượng xác nhận KHÔNG HỀ CÓ TREO CỜ TRẮNG tại cổng Nam căn cứ Lai Khê! Chúng tôi những người lính VNCH, có thể chết vì thua trận, nhưng không thể sống ô nhục treo cờ trắng khi chưa hề giao tranh. 

 

 

5.  Tất cả anh em chung quanh tướng Vỹ đều tìm cách dấu tất cả các súng cá nhân vì sợ ông tự tử. Các anh em khuyên ông thì ông nói: “Các anh chờ ở đây để cho tên Huyện ủy Bến Cát vào tiếp thu các anh à!” Lúc đó trong đầu óc tướng Vỹ chỉ có một ý định tự sát thôi.

 

Mặc dù chỉ là cấp nhỏ, cá nhân tôi đã vài lần chứng kiến sự can đảm của Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, khi ông còn là Đại tá, Tư lệnh phó Sư đoàn 5, tại An Lộc, và sau năm 1972, làm Đại đội trưởng Trinh sát, tại sân trực thăng chúng tôi đã trực tiếp nghe lệnh điều quân của Chuẩn tướng Tư lệnh. Với tất cả lòng kính trọng huynh trưởng, chúng tôi KHÔNG TIN Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ ra lệnh cho treo cờ trắng. Nhất là khi ông đã có ý định tuẫn tiết để bảo vệ thanh danh quân đội. Trung tá Nguyễn Minh Tánh viết là huynh trưởng không có mặt vào giờ chót bên Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, và chỉ nghe kể lại. Vào giây phút cuối cùng, chúng tôi không hề thấy cờ trắng nào cả! Không biết sau này cộng sản có treo lên không? Vì niềm tự hào của người chiến binh Việt Nam Cộng Hoà, xin được viết lên chi tiết này để tránh hiểu lầm lịch sử.

 

 

6.  Tướng Vỹ cho gọi tất cả các anh em thuộc Bộ Tư Lệnh sang tư dinh cho lệnh dọn cơm ăn. Vừa ăn xong một chén cơm một cách hấp tấp, Tướng Vỹ vội vào “Trailer” mà không ai hay chỉ vì đang lo ăn. Thình lình có 2 tiếng súng nổ. Các anh em chạy vào thì thấy Tướng Vỹ gục đầu trên vũng máu bị đạn như đã nói trên. Dù tất cả các súng được cất dấu kỷ nhưng còn một khẩu súng lục Beretta 6.35 ly để trong Trailer không ai biết, trừ Tướng Vỹ và Người đã dùng khẩu súng nầy để đi vào lịch sử. Chính Từ Vấn, anh Hùng và các anh em khác đã mặc quần áo tươm tất cho Tướng Vỹ.

 

Qua lời kể của Trung tá Đỗ Đình Vượng chúng tôi tin điều này là đúng! Tuy nhiên, nơi đoạn văn dưới đây của Trung tá Nguyễn Minh Tánh khiến chúng tôi bị hoang mang và không hiểu! Trung tá Tánh kể về diễn biến tại căn cứ Lai Khê, sau khi Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ tuẫn tiết:

 

 

7.  Tôi quay xe lại Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn để đón Ðại Tá Nguyễn Mạnh Tường Phụ Tá Hành Quân Sư Ðoàn và Trung Tá Tống Mạnh Hùng Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Sư Ðoàn (Hiện định cư tại San Francisco CA), cả hai cùng khóa 5 SQTB Thủ Ðức với tôi như đã hứa trước. ... Tường và Hùng theo tôi về Thiết Ðoàn. Khi xe bắt đầu lăn xích ra khỏi cổng trại của tôi thì thấy Ðại Tá Từ Vấn (Khóa 12 VBQG Ðà Lạt gốc BÐQ Tham Mưu Trưởng Sư Ðoàn), Trung Tá Nguyễn văn Khách (Khóa 10 VBQG Ðàlạt gốc Lực Lượng Ðặc Biệt) Trưởng Phòng Ba Sư Ðoàn, Thiếu Tá Nguyễn văn Nghĩa. Trưởng Phòng Nhất Sư Ðoàn, Thiếu Tá Nguyễn văn Hòe. Trưởng Phòng Nhì Sư Ðoàn cũng vừa đến tháp tùng lên các Thiết vận xa của chúng tôi. Tôi quên nói là đơn vị vc tại Bến Cát có vào hệ thống liên lạc Sư Ðoàn đòi gặp tôi ở đầu máy nhưng tôi đã báo hiệu thính viên trả lời là tôi không có ở đây.

 

    Theo thứ tự di chuyển thì Chi Ðoàn 1/1 Chiến Xa dn đầu kế đến là Bộ Chỉ Huy Thiết Ðoàn của tôi. Khi ra khỏi căn cứ Lai Khê tôi thấy Chi Ðoàn 2/1 Thiết Kỵ do Ðại Úy Nguyễn Văn Thống chỉ huy (Anh nầy chết trong tù mấy năm sau 1975 tôi không rõ). Ðại Úy Thống vào hệ thống liên lạc hỏi tôi xem đi đâu. Tôi hỏi anh ta có muốn đi theo tôi không thì anh ta đồng ý. Tôi bảo gắn vải trắng ở đuôi ăng-ten và cho lệnh anh ta xem tôi làm gì thì anh ta làm theo.

 

Chi đoàn 2/1, do Đại úy Nguyễn Văn Thống chỉ huy có mặt ở cổng Nam Lai Khê thì đúng, vì Đại đội Trinh sát 7 do tôi chỉ huy đi tùng thiết theo chi đoàn 2/1. Không biết Trung tá Nguyễn Minh Tánh vì thời gian và tuổi tác có nhớ lầm không? Thứ nhất: Sau khi vào gặp “45” (Chuẩn tướng Tư lệnh, Lê Nguyên Vỹ) thì Trung tá Đỗ Đình Vượng đi bộ trở ra cổng Nam, lúc này, chúng tôi thấy có cả Đại tá Từ Vấn, Tham mưu trưởng Sư đoàn đi cùng. Chi tiết đi bộ vào Bộ chỉ huy rất quan trọng, vì lúc đó cổng Nam lai Khê đã khoá lại, nhưng nếu người đi bộ lách qua rào kẽm gai bên cạnh thì có thể đi vào. Không thể nào lầm Đại tá Từ Vấn được, ông rất đẹp trai, với khuôn mặt trẻ, không ai ngờ là quan sáu! Các vị sĩ quan cấp tá khác trong danh sách Trung tá Tánh nêu trên, chúng tôi hoàn toàn không thấy. Thứ hai: Cổng Nam Lai Khê vẫn đóng, và chúng tôi cũng không thấy một đoàn xe Thiết giáp nào từ trong căn cứ chạy ra. Chính Trung tá Đỗ Đình Vượng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 7 Bộ binh xác nhận qua điện thoại ngày 19/11/21 với chúng tôi là KHÔNG HỀ CÓ ĐOÀN XE THIẾT GIÁP nào ra khỏi căn cứ Lai Khê, sau khi Tướng Lê Nguyễn Vỹ tuẫn tiết! Thứ ba: Chúng tôi không biết trong máy truyền tin nội bộ, Đại uý Nguyễn Văn Thống trao đổi với Trung tá Nguyễn Minh Tánh điều gì, nhưng chúng tôi không hề thấy bất cứ xe M113 nào của Chi đoàn 2/1, treo cờ trắng trên cột antenna cả! 

 

 

8.  Ðơn vị tôi ra khỏi căn cứ Lai Khê quay về hướng Ðông căn cứ băng đồng, chạy song song theo hướng Ðông Quốc Lộ 14. Tại vùng nầy, mới tuần trước Thiết đoàn tôi hành quân tại đây tìm đỏ con mắt không thấy một tên VC nào nhưng chiều nay sao đông thế! Từ hướng Ðông trong khu rừng, từ hướng Tây bên Quốc Lộ chúng tủa ra nhắm vào đoàn xe Thiết Giáp di chuyển tác xạ tới tấp. Cũng may là đơn vị chúng tôi cách xa tầm bắn B40 và B41 nên không có xe nào trong đoàn xe của tôi bị trúng đạn. Một điều tôi hãnh diện về đơn vị của tôi và cũng nhờ ơn trên là không có một binh sĩ nào của Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh tác xạ lại. Họ rất giữ đúng kỷ luật là không tác xạ bừa bãi và không có “Một sự cướp cò” nào. Nếu không, có lẽ tôi khỏi đi tù và không còn để viết những dòng chữ nầy.

Ðoàn xe di chuyển được hơn 10 km thì Ðại Úy Thống Chi Ðoàn Trưởng Chi Ðoàn 2/1 Thiết Kỵ hỏi lệnh tôi thế nào khi VC chận đầu xe. Tôi nói trong máy cho anh ta biết thôi trình diện họ đi còn tôi lên trên nầy gặp “Thằng Ba” tức Chi Ðòan 3/1 Thiết Kỵ (Đang tăng phái cho Trung Ðoàn 8 BB tại Bình Dương) cũng trình diện luôn (?).

 

Không biết Trung tá Nguyễn Minh Tánh có nhớ lầm ngày không? Như đã trình bầy ở trên, Chi đoàn 2/1 và Trinh sát 7 chúng tôi đi từ căn cứ Bố Lá về đến cổng Nam Lai Khê khoảng 10:00 sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, cho đến giây phút buông súng, KHÔNG LÀM GÌ CÓ ĐOÀN CHIẾN XA NÀO RA KHỎI CĂN CỨ LAI KHÊ. Đại uý Nguyễn Văn Thống vẫn ở bên chúng tôi đến giây phút cuối cùng. Đại tá Từ Vấn và Trung tá Đỗ Đình Vượng đều có mặt, Chi đoàn 2/1 không rời vị trí, nếu không có lệnh của hai vị sĩ quan cao cấp hiện diện! Chẳng lẽ cả đoàn Chiến xa của Trung tá Tánh ra khỏi cổng Nam Lai Khê, chúng tôi mù không thấy? Cổng căn cứ vẫn đóng, ra bằng cách nào? Đại tá Từ Vấn đứng ngay bên cạnh chúng tôi, lấy đâu ra một vị khác trùng tên, cùng cấp bậc ngồi trên đoàn xe của Trung tá Tánh?

 

Theo lời kể của Trung tá Tánh: Từ hướng Ðông trong khu rừng, từ hướng Tây bên Quốc Lộ chúng tủa ra nhắm vào đoàn xe Thiết Giáp di chuyển tác xạ tới tấp. Cũng may là đơn vị chúng tôi cách xa tầm bắn B40 và B41 nên không có xe nào trong đoàn xe của tôi bị trúng đạn. Một điều tôi hãnh diện về đơn vị của tôi và cũng nhờ ơn trên là không có một binh sĩ nào của Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh tác xạ lại.Chi tiết này vô cùng  ngạc nhiên, khó hiểu, khi Thiết giáp di chuyển bị bắn tới tấp từ hai phía Đông và Tây, quân ta không hề bắn trả!!! Là một người lính tác chiến, trong trường hợp này không thể nào hiền như ma soeur được, thưa Trung tá Tánh, giây phút đó xe Thiết giáp vẫn còn đạn để phản công. Ngồi viết những hàng này, tôi không thể nào hình dung được một phép lạ, hay một màn ảo thuật nào có thể tách rời Đại đội 7 Trinh sát chúng tôi, ra khỏi Chi đoàn 2/1 vào giây phút căng thẳng của ngày 30/4/75! Hy vọng Trung tá nhớ lầm ngày!

 

Theo lời kể của Trung tá Nguyễn Minh Tánh, Đại uý Nguyễn Văn Thống đã hy sinh trong trại tù cộng sản. Nếu đó là tin thật, thay mặt anh em Trinh sát 7, từ các vị Đại đội trưởng tiền nhiệm, đến các chiến binh đã từng hành quân tùng thiết cùng Chi đoàn Thiết kỵ do anh chỉ huy, chúng tôi xin nghiêng mình trước sự hy sinh cao cả của Đại uý Nguyễn Văn Thống. Thiết đoàn 1 Kỵ binh không hề “nát!” Trong chiến tranh thắng thua là chuyện bình thường, tập trung vào một vài thất bại để gán cho đơn vị do chính mình là người chỉ huy cuối cùng chữ “nát,” người viết xin phép không đồng ý với nhận định quá khắt khe của Trung tá Nguyễn Minh Tánh!

 

Cuộc chiến đã trôi qua 46 năm, trí nhớ con người có giới hạn, chưa nói đến những năm tháng tù tội suy yếu. Mỗi quân nhân cán chính VNCH như là một mảnh ghép rất nhỏ của trò chơi Puzzles. Với tất cả lòng kính trọng với huynh trưởng Nguyễn Minh Tánh, chúng tôi chỉ xin bổ túc một vài chi tiết.

 

 

Chuẩn tướng Trần Quang Khôi, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn III & Tư lệnh Lực lượng Xung kích Quân đoàn III | Photo credit: TQK (Dòng sông cũ)


 

Viết đến đây, không thể quên vinh danh Chuẩn tướng Trần Quang Khôi, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 Kỵ binh, kiêm Chỉ huy trưởng Lực lượng Xung kích Quân đoàn III. Chúng tôi được tăng phái cho Lữ đoàn 3 Thiết kỵ trong nhiều cuộc hành quân không thể nhớ hết được và Khiêm Hanh, Tây Ninh tháng 3/75, Tướng Khôi luôn xuất hiện cùng các đơn vị do ông chỉ huy, mặc cho vc pháo kích, ông vẫn hiên ngang đội chiếc mũ nồi đen, không nón sắt, không áo giáp, ngồi trên xe M113, điều quân. Máy bay của Chuẩn tướng Khôi sẵn sàng đáp ngay xuống khu vực đang giao tranh, ông ra khỏi trực thăng, nhanh chóng gặp các đơn vị trưởng hành quân, hoặc lên một chiếc M113, di chuyển vào vùng lửa đạn. Một người bạn thân, Phi công Trực thăng của tôi là Trung uý Hà Quốc Việt, thường được cắt cử bay cho Tư lệnh Sư đoàn 5 BB, tâm sự: Có hai vị Tướng là Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ và Trần Quang Khôi là ngầu nhất. Phi công bay cho hai ông này luôn chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đáp xuống chiến địa bất ngờ, không có Gunship bao vùng! Dĩ nhiên, chỉ là người được nghe và kể lại từ Hà Quốc Việt. Nhưng lúc còn mang cấp bậc Đại tá, Tướng Trần Quang Khôi đã đáp xuống cánh rừng nơi Trinh sát 7 hành quân tùng thiết với thiết giáp. Chúng tôi xin làm nhân chứng hữu thệ.

 

Quay trở về đoạn đường di chuyển từ căn cứ Bố Lá, nằm trên Liên tỉnh lộ 1A, băng qua cánh rừng chồi thuộc Ấp Bông Trang, hướng về Lai Khê buổi sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975.

 

 

Hình minh hoạ, một đơn vị VNCH hành quân cùng Thiết vận xa M113 | Photo credit: Unknown


Tango, 44, con cái anh đến đâu rồi? Trung tá Đỗ Đình Vượng hỏi qua máy truyền tin PRC25. “Tango” gọi tên T thay vì “95”. 

 

44, Tango, chúng tôi sắp bắt tay với Victoria. Mã hoá tên Trung tá Vượng. Cho biết sẽ sớm gặp ông.

 

OK.

 

Đoàn Thiết vận xa M113 đi trên Liên tỉnh lộ 1A, hai bên là nhà dân, chính vì thế cuộc chuyển quân rất nhanh chóng đến Căn cứ Bố Lá, không hề đụng trận. Từ Bình Dương lên Phú Giáo, căn cứ Bố Lá nằm bên trái, nơi một cánh rừng cao su đã khai hoang gần Ấp Bông Trang, nơi đây có một con đường đất mang tên 301 trên bản đồ quân sự, đã lâu rồi con đường này không được dùng đến, nhưng các xe be (xe vào rừng chở cây) vẫn đi trên đường 301, nó sẽ dẫn đến Ấp Bàu Bàng hướng Bắc của Lai Khê.

 

Từ căn cứ Bố Lá, chúng tôi cắt rừng chồi đưa Trung tá Vượng và Bộ chỉ huy chính của Trung đoàn 7 về Lai Khê, Bộ tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh. Đoàn Thiết vận xa dàn đội hình vượt qua những cánh rừng cây cỏ thấp, bụi bay mù mịt, và cũng không chạm địch trên đường đi. Một buổi sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 tương đối êm ả. Các máy truyền tin của Thiết kỵ cũng như Trinh sát đều yên lặng, qua hệ thống lớn (máy truyền tin liên lạc giữa Đại đội và Bộ chỉ huy Trung đoàn) chúng tôi nghe “44” liên tục gọi Trung tâm Hành quân Sư đoàn, nhưng không nhận được trả lời! 

 

Chuyện gì xẩy ra? Chúng tôi cảm nhận ngay có một điều gì đó không ổn! Làm sao một Trung đoàn trưởng lại có thể mất liên lạc với Phòng 3 (Trung tâm Hành quân) Sư đoàn? Trinh sát có đặc lệnh truyền tin, với tần số lên đến cấp Sư đoàn, và tôi ra lệnh cho hiệu thính viên máy nội bộ, chuyển qua tần số Sư đoàn ... Chỉ nghe được các đơn vị gọi, nhưng không thấy trả lời!

 

Khoảng 10:00 sáng ngày 30/4/75 Chi đoàn 2/1, M113, và Trinh sát 7 đã có mặt tại Cổng Nam căn cứ Lai Khê, cổng chính đi vào căn cứ đã khoá bằng xích sắt. Thiết vận xa M113, thừa sức ủi sập cánh cửa, nhưng Trung tá Vượng không cho. Ông nói với Đại uý Thống và tôi, các anh bố trí quân giữ mặt này, nội bất xuất, ngoại bất nhập! Và ông cùng với hai người mang máy truyền tin, một vài lính Trinh sát 7, đi theo hộ tống, len qua một hàng rào kẽm gai đi bộ vào trong căn cứ. Tình hình cổng Nam Lai Khê đến lúc này vẫn yên tĩnh, nhưng dân chúng cho biết ở Quận Bến Cát cách căn cứ Lai Khê không xa nhiều người đã bỏ quận đi về Sài Gòn từ hai hôm rồi! Việt cộng chưa đến, đụng trận chưa xẩy ra! Tuy nhiên, Đại uý Thống cũng cho các xe M113 vào đội hình chiến đấu, súng chĩa vào hai bên đường, Trinh sát 7 đi sâu vào trong rừng đề phòng cộng quân phục kích và bắn vào M113. Không khí đến lúc này vẫn không có tiếng súng nổ, một sự yên lặng đáng lo. Trong cuộc đời binh nghiệp, chưa bao giờ chúng tôi trải qua những giây phút thật khó diễn tả này! Sự yên lặng báo hiệu một cơn bão lớn?

 

Thời gian sau 46 năm nhớ không chính xác, nhưng khoảng 13:00 Trung tá Đỗ Đình Vượng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 7, trở ra cổng Nam Lai Khê gặp đơn vị, lần này có cả Đại tá Từ Vấn, Tham mưu trưởng Sư đoàn 5 BB đi cùng. Nét mặt hai ông buồn vô cùng, Trung tá Vượng chỉ buông một câu chửi thề:

 

Đù mẹ nó, Sư đoàn hoàn toàn mất liên lạc với Quân đoàn III, ngay tại Trung tâm Hành quân Sư đoàn cũng chẳng còn mấy ai trực! Chúng nó bỏ đi gần hết rồi! Đại tá Từ Vấn khuôn mặt buồn không kém, ông im lặng như một lời xác nhận.

 

Đúng là tin sét đánh! Đang lúc mọi người hoang mang, chưa biết phải làm gì, thì một anh lính Thiết giáp ôm trên tay chiếc máy phát thanh, đài Phát thanh Sài Gòn đang phát đi phát lại lời kêu gọi của Tổng thống Dương Văn Minh, tất cả chúng tôi đều nghe! Đúng là trời sập!

 

Súng đạn còn nguyên, Thiết vận xa M113 sẵn sàng nổ súng, lính Trinh sát đâu có vụ dễ buông súng? Nhưng giọng Dương Văn Minh vẫn đều đều trên đài phát thanh Sài Gòn. Mời bạn đọc vào đường link để nghe lại lời kêu gọi của Dương Văn Minh. (https://youtu.be/3YN9S4eqzw4).

 

"Đường lối của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp để cứu vãn sinh mạng của đồng bào. Chúng tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải giữa người Việt Nam với nhau để khỏi phí phạm xương máu của người Việt Nam chúng ta.

"Vì lẽ đó tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ VNCH hãy bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi yêu cầu anh em chiến sĩ chính phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam hãy ngưng nổ súng.

"Chúng tôi đang ở đây chờ gặp Đại diện chính phủ Cộng Hòa Lâm Thời Miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận về việc bàn giao chính quyền trong vòng trật tự và tránh sự đổ máu vô ích của đồng bào."

 

Đối với những người lính chiến đấu, đây là một sự phản bội nhục nhã! Sẽ có người không đồng ý, tôn trọng ý kiến của các bạn, nhưng cũng mong hãy lắng nghe suy nghĩ của chúng tôi.

 

Cộng sản không làm gì chiến thắng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Chính quyền Sài Gòn đã rút lui tại Quân đoàn I và II trước khi chúng đến! Ai ra lịnh rút lui? Quân đoàn III vẫn còn các Sư đoàn 5, 18 và 25 sẵn sàng chiến đấu, nhưng hoàn toàn mất liên lạc! Sư đoàn 18 với Tướng Lê Minh Đảo đã chiến đấu oai hùng tại Long Khánh! Quân đoàn IV vẫn còn nguyên vẹn, cùng chịu chung số phận với Quân đoàn III, không liên lạc được với Bộ Tổng Tham Mưu!

 

Đổ lỗi cho Mỹ, nhưng quên đổ lỗi cho mình! Đồng ý là bọn chính trị gia Dân chủ thiên tả tại Quốc hội Hoa Kỳ đã khai tử Việt Nam Cộng Hoà. Nhưng chính quyền quân nhân tại miền Nam có 12 năm cầm quyền (1963-1975) sau khi họ đã hạ sát Tổng thống Ngô Đình Diệm. Câu hỏi, trong đám tướng lĩnh miền Nam đó học được gì về chính trị Hoa Kỳ trong 12 năm? Một người có hiểu biết tối thiểu về chính trị, sẽ thấy nền dân chủ Hoa Kỳ, mỗi 4 năm bầu Tổng thống một lần, có nghĩa là chính sách có thể thay đổi nếu một tổng thống thuộc đảng đối lập được bầu, chính trị Mỹ khó có một sách lược lâu dài vì thế! Tam quyền phân lập, một ưu điểm của xã hội Mỹ, nhưng là chuông báo tử cho bất cứ chính quyền nước ngoài nào quá lệ thuộc vào Hoa Kỳ! Thượng nghị sĩ, Dân biểu, yên vị được là nhờ lá phiếu của dân, khi dân chúng biểu tình từ ngày này qua ngày nọ, là lúc đám chính trị gia Mỹ phải theo chiều gió, hay để gió cuốn bay! Cộng sản Việt Nam khá thông minh về điểm này, mặc dù vc thua trên chiến trường NỘI ĐỊA, chúng đã hạ gục miền Nam Việt Nam ngay trên đường phố Hoa Kỳ. Chính quyền VNCH đã làm được gì để phản công lại chiến lược này? ZERO.

 

Quân nhân, Tướng lĩnh có một vị trí riêng, đặc biệt, đó là điều quân khiển tướng tại chiến trường. Nhưng họ sẽ là chính trị gia tồi tệ nhất! Trong 12 năm cầm quyền, đám tướng lĩnh làm được gì cho đất nước? Xâu xé nhau, đảo chính, chỉnh lý, tham nhũng, phe đảng, còn thời giờ đâu mà xây dựng quân đội? Chúng ta hãy nhìn nơi các quốc gia trên thế giới hiện nay, do quân nhân cầm đầu như Miến Điện, Thái Lan ... có ra hồn không? Hãy công tâm xem cái ngây thơ của Dương Văn Minh.

 

"Đường lối của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp để cứu vãn sinh mạng của đồng bào. Chúng tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải giữa người Việt Nam với nhau để khỏi phí phạm xương máu của người Việt Nam chúng ta.

 

Cộng sản Việt Nam có HOÀ GIẢI và HOÀ HỢP không? Hay chúng chỉ muốn HOÀ TAN? Bao nhiêu quân cán chính VNCH đã bị chúng lừa đảo đi học tập 10 ngày để rồi trở thành thiên thu ngục tù? Bao nhiêu gia đình vợ con chính quyền miền Nam bị đẩy đi vùng Kinh tế mới? Bao nhiêu thuyền nhân bỏ mình trên biển cả? Bao nhiêu tài sản bị cướp bóc, nhà cửa bị tịch thu cho cán bộ? Bao nhiêu nghĩa trang Quân đội VNCH bị bỏ bê, bia mộ bắn thủng mắt hình ảnh người lính miền Nam đã khuất? Phải chăng đây là cái giá quân dân miền Nam phải trả cho quyết định đầu hàng của Dương Văn Minh? 

 

"Vì lẽ đó tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ VNCH hãy bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi yêu cầu anh em chiến sĩ chính phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam hãy ngưng nổ súng.

 

Vâng, chúng tôi nghe theo lời ông buông súng, để nhanh chóng đổi lấy những năm tháng tù tội. Là một người lính VNCH, cá nhân tôi (không dám nhân danh ai) xin cúi đầu chịu tội với người dân miền Nam Việt Nam, quỳ lạy trước bàn thờ các vị Tướng lĩnh đã tuẫn tiết hy sinh, các anh hùng vô danh thuộc mọi quân binh chủng đã chiến đấu và tự sát trong ngày mất nước. Xin các thế hệ sau tha thứ cho tên lính HÈN này, đã để lại cho các em một gia tài KHỐN NẠN!

 

Có người ca tụng Dương Văn Minh, cho là ông có quyết định sáng suốt, tránh cho Sài Gòn đổ máu! Quý vị nghĩ sao về hằng trăm ngàn quân cán chính VNCH đi tù? Gia đình bị đẩy đi vùng kinh tế mới, con cái không được đến trường vì lý lịch nguỵ. Cao uỷ tỵ nạn Liên Hiệp Quốc ước tính trên dưới 200,000 người Việt đã bỏ mình trên biển cả! Như vậy có được xem là “đổ máu” không? Cho đến hôm nay, người Việt vẫn còn tìm đường ra khỏi quê hương, câu chuyện họ chết trong chiếc xe đông lạnh trên đường qua Anh ... Nam nữ thanh niên Việt Nam vẫn phải đi làm lao công ở nước ngoài, có những thiếu nữ bị chủ nhà người Á rập hiếp dâm và chôn vùi xác! Vâng, tất cả là công lao của bại tướng Dương Văn Minh, người được thăng quan, tiến chức nhờ Tổng thống Ngô Đình Diệm, và sau này im lặng về cái chết tức tưởi của ông!

 

Kinh nghiệm đến từ năm tháng tuổi đời. Gia đình ba mẹ tôi di cư từ Bắc vào Nam năm 1954, may mắn thân phụ là một viên chức của sở Bưu điện Hà Nội, nên cả nhà được di tản bằng phi cơ vào Sài Gòn. Sau một vài tháng ở nhờ gia đình bà cô, em ruột của mẹ, lập gia đình với Kiến Trúc Sư Võ Văn Tần người Nam, đã theo chồng vào Nam trước, ở tại Gia Định. Ba tôi được cấp một chỗ ở ngay trong sở Bưu Điện Sài Gòn từ 1954 đến 1963 khi cụ về hưu. Từ vị trí trung tâm Sài Gòn, tuổi trẻ chúng tôi chứng kiến nhiều thay đổi lịch sử, ngày T.T. Diệm ra lệnh cho Quân đội dẹp loạn Bình Xuyên, súng nổ chát chúa bên tai – Ngày Sài Gòn hân hoan mừng chiến thắng Rừng Sát, nơi Đại tá Dương Văn Minh dẫn đầu đoàn quân tiến vào thành phố với cờ bay phấp phới đón mừng. Tuổi ấu thơ chúng tôi, thấy tận mắt hình Quốc trưởng Bảo Đại hạ xuống ngay trong toà nhà chính của Bưu Điện, sơn đỏ gạch chéo mặt, và hình Tổng thống Ngô Đình Diệm dựng lên. Những lần T.T. Diệm đi lễ tại nhà thờ Đức bà, với đội quân danh dự bồng súng dàn chào, rồi đến những cuộc đảo chính bất thành của quân đội, Sư đoàn 5 lúc đó do Đại tá Nguyễn Văn Thiệu chỉ huy, tiến về Sài Gòn giải cứu, lần đầu tiên, tôi được thấy những người lính Sư đoàn 5, đa số là người Nùng ... Dinh Độc Lập bị thả bom, những biến động chính trị đó in sâu vào khối óc non trẻ của tôi.

 

Biến chuyển Phật giáo đã khiến gia đình tôi chia rẽ. Ông cụ thân sinh tiếp tục ủng hộ Tổng thống Ngô Đình Diệm, ba đứa con trai của cụ quay ra chống đối. Người anh lớn nhất, Nguyễn Tường Minh, là Giáo sư dậy học tại trường nữ trung học Gia Long bị mật vụ bắt giam vì xúi dục học sinh Gia Long biểu tình, nhốt tại tổng nha An ninh Quân Đội, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, và sau đó chuyển về giam giữ tại Chợ Lớn (không nhớ tên đường.) Người anh thứ hai, Nguyễn Tường Thuỵ, tham dự phong trào sinh viên ủng hộ Phật giáo cùng anh Huỳnh Bá Huệ Dương, anh Thuỵ thường xuyên vắng nhà để tránh bị bắt. Và NTT, thằng ranh con 13 tuổi, làm đệ tử cho Đại đức Thích Giác Đức, thật sự là một trong những thằng nhóc gác cửa phòng cho Thầy Giác Đức tại Chùa Xá Lợi. Nhóc con, chẳng biết mẹ gì về chính trị, nhưng lại khoái đi biểu tình theo các thầy, thích đối đầu với Cảnh sát và hơi cay, và một ngày kia, nghe theo lời các Thầy, ôm truyền đơn kêu gọi bãi khoá vào rải trong sân trường Lasan Taberd Sài Gòn vào giờ ra chơi. Kết quả bị Sư huynh Lawrence Tổng Giám thị đuổi học, mặc dù ba tôi là một thành viên trong Hội Phụ huynh Học sinh Taberd!

 

Không thể quên tên anh bạn hàng xóm, Võ Tấn Tài, hơn tôi bốn tuổi, học sinh Võ Trường Toản. Ba Tài là cụ Võ Văn Cát, viên chức cao cấp đứng hàng thứ hai tại Bưu điện Sài Gòn, Tài cũng hung hăng đi biểu tình theo các Thầy Phật giáo, khiến ông cụ thân sinh nhức đầu, khi phải vào bót Cảnh sát Lê Văn Ken ngay cạnh bệnh viện Sài Gòn lĩnh cậu quý tử! Thời gian trôi qua, chúng tôi gặp lại nhau tại Sư đoàn 5 Bộ binh, Võ Tấn Tài trở thành Bác sĩ làm việc một thời gian ngắn tại Bệnh xá Lai Khê, trước khi chuyển ra Trung đoàn 9, Sư đoàn 5. Tuổi trẻ chúng tôi bị hút vào trò chơi chính trị của người lớn, hăng hái, bồng bột và u mê!

 

 

Mộ bia cố Tổng thống Ngô Đình Diệm – Nghĩa trang Lái Thiêu, ngày 18/06/2019 | Photo credit: NTT

 

 

Nổi loạn ở tuổi 13, tôi đã phạm nhiều sai lầm vô cùng lớn lao. Khi lớn khôn, thằng nhóc 13 mới biết mình bị lợi dụng! Sống 9 năm dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, 12 năm chế độ quân nhân cầm quyền, gần 5 năm tù cộng sản với ba lần vượt ngục! Tôi đã thấy được sai lầm ngu xuẩn của mình! Từ đó, ăn năn sám hối, trong 13 năm sau này, khi dậy học tại Việt Nam và Indonesia cho các hãng giầy: Nike, Adidas, New Balance, Skechers, tôi đã vài lần đến thăm và tạ tội trước mộ cố Tổng thống Ngô Đình Diệm. “Xin Ngài hãy tha thứ cho tuổi trẻ dại khờ chúng con.”

 

Lịch sử không cho phép bất cứ ai đem cảm tính cá nhân vào phán xét, nếu chúng ta thật sự mong muốn công bằng. Nhà văn André Malraux từng nói, “Mộ phần của những vị anh hùng, là con tim của người sống” [Le tombeau des héros est le coeure de vivant.] Trên ý nghĩa đó, cố Tổng thống Ngô Đình Diệm không cần lăng tẩm, kẻ thù có chôn Ngài ở bất cứ nơi nào, bia mộ dù không được khắc tên, điều đó không quan trọng. Những công dân Việt Nam chân chính, từ Bắc chí Nam đều biết ai là anh hùng và tên nào là tội phạm. Mộ phần Ngài sẽ nằm vĩnh viễn trong trái tim những ai yêu chân lý và sự thật.

 

Sau bao nhiêu năm tù tội, cuối cùng chúng tôi cũng may mắn được nói chuyện qua điện thoại với Trung tá Đỗ Đình Vượng, vị chỉ huy cuối cùng của Trung đoàn 7 Bộ binh, ông đã trên 80 hiện cư trú tại Hoa Kỳ. Trung tá Vượng không thể nào quên được hình ảnh người anh cả Sư đoàn 5 Bộ binh, Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, tự sát qua viên đạn bắn từ dưới cằm đi lên. Sư đoàn 5 Bộ binh rất hãnh diện có những vị Tư lệnh thanh liêm, chính trực và anh hùng như Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu, Chuẩn tướng Lê Văn Hưng và Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ.

 

Khi Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu làm Tư lệnh, Sư đoàn 5, NTT chỉ là tên Chuẩn uý, Trưởng toán Viễn Thám, ngày Đại tá Lê Văn Hưng chỉ huy mặt trận An Lộc 1972, tôi là Đại đội Phó và sau đó lên làm Đại đội trưởng Trinh sát cho đến ngày mất nước. Niềm tự hào tôi sẽ mang theo đến cuối đời, nhờ phục vụ trong đơn vị Trinh sát, cá nhân đã may mắn được trực tiếp gặp và nhận lệnh từ ba vị Tướng lĩnh vị quốc vong thân. 

 

 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu - Tư lệnh Sư đoàn 5 (1969-1971) | Photo credit: wikipedia.org

Chuẩn tướng Lê văn Hưng, Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ Binh 1971 – 1973, Tư lệnh Phó Quân đoàn IV, tự sát ngày 30/4/1975 | Photo credit: Unknown


Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh (1973 – 1975), Tự sát ngày 30/4/1975 | Photo credit: VietVungVinh.com


 

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đúng là ngày đau thương tang tóc của miền Nam Việt Nam! Chúng tôi đã dành ra rất nhiều thời gian, gần bốn thập kỷ để sưu tầm, đọc sách, tìm hiểu, về cuộc chiến Việt Nam dưới mắt các ký giả, phóng viên chiến trường Mỹ. Có những ngày tháng sinh hoạt cùng Hội Cựu Chiến binh Hoa Kỳ, tham dự đại hội vùng Đông Bắc. Hoặc nói chuyện về chiến tranh Việt Nam qua cái nhìn của người lính VNCH tại một vài trường trung và đại học Mỹ. Thật là đau buồn khi tìm ra, giới báo chí, truyền thông Mỹ hoàn toàn bỏ quên chính phủ và quân đội VNCH! Hơn 90% các hình ảnh trong sách báo, đều giới thiệu về hoạt động của quân đội Mỹ tại Việt Nam, khoảng 7% nói về Việt cộng, và VNCH chúng ta chỉ vài hàng! Rất mong các bạn trẻ, sinh viên Việt Nam tại đại học Mỹ, hãy làm luận án ra trường về vấn đề truyền thông Hoa Kỳ đối xử với quân lực VNCH khốn nạn như thế nào? Tình báo đã yếu, tuyên truyền chính trị lại tệ không kém! Tại sao dân Mỹ biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, giờ đây chúng ta đã thấy!

 

May mắn, trong quyển sách tựa đề “Vietnam A Visual Encyclopedia” của tác giả Philip Gutzman sách dầy 448 trang, chúng tôi tìm được vài hàng viết về Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ như sau:

 

“Lê Nguyên Vỹ, Một trong số ít tướng lĩnh liêm khiết của miền Nam Việt Nam, ông từng phục vụ trong một đơn vị ở Đồng bằng sông Cửu Long. Được thăng cấp Chuẩn tướng, ông từng là Phó Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh VNCH tại mặt trận đẫm máu An Lộc trong cuộc Tổng tấn công mùa hè đỏ lửa 1972, năm 1973 ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 5 và có mặt tại Lai Khê vào mùa xuân năm 1975. Khi đối mặt với việc phải đầu hàng Bắc Việt, ông đã tự sát.” [Lê Nguyên Vỹ, One of South Vietnam’s few incorruptible generals, Lê Nguyên Vỹ originally served with a battalion in the Mekong Delta. Promoted to the Brigadier General, he was the Deputy Commander of the ARVN 5th Infantry Division at the bloody battle of An Lộc during the Easter Offensive, in 1973 he was appointed  as the 5th Division Commander and was with them at Lai Khê in the spring of 1975. When faced with the possibility of having to surrender to the North Vietnamese, he shot himself instead.] (Philip Gutzman, Vietnam A Visual Encyclopedia – Page 227.)

 

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 có quá nhiều bất ngờ với chúng tôi! Lính tác chiến, đụng trận với vc thì có gì lạ? Hoặc là bạn chết cho bác và đảng, hay là tôi ra đi, có thế thôi! Những lần bạn và tôi đụng trận với nhau trước đây phải nói là không vui chút nào. Cám ơn Thượng Đế chúng ta còn sống để gặp lại nhau hôm nay.

 

Đứng bên xe Thiết vận xa M113, súng đạn đầy đủ, quần áo lính còn nguyên với cấp bậc trên cổ áo, Đại tá Từ Vấn, Trung tá Đỗ Đình Vượng, Đại uý Nguyễn Văn Thống, tôi và anh em Thiết giáp cùng Trinh sát 7 nhìn đoàn lính Bắc quân, quần áo rộng thùng thình, tố cáo những bộ xương biết đi bên trong, nhem nhuốc, dơ bẩn, lê lết trên đôi dép râu mòn sát đất! Đám bộ đội nửa người, nửa ngợm đó vừa đi bộ hàng một trên đường, vừa la “Hàng sống, chống chết.” Lúc này mới có thể nói Quân đội Việt Nam Cộng Hoà thật sự là một đội quân kỷ luật, đúng như nhận xét của Trung tá Nguyễn Minh Tánh. Chúng tôi chỉ biết nhìn nhau ngỡ ngàng! Mẹ bố chúng mày!

 

Đơn vị bộ đội đi trên đường, chỉ cách chúng tôi vài thước, họ rất trẻ, nói rõ hơn là trẻ con, thỉnh thoảng có vài anh lính già, ho hen, ốm yếu. Nếu buổi trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 đó, chỉ cần một anh lính VNCH nổi nóng, quạt một vài tràng đại liên, ít nhất vài chục tên sẽ đạt ước nguyện “Sinh bắc, tử Nam” và nếu lúc đó được lịnh từ Đại tá Từ Vấn, hoặc Trung tá Đỗ Đình Vượng, Chi đoàn 2/1 cùng anh em Trinh sát sẽ thoả chí tang bồng để sau đó đền nợ núi sông. Chúng tôi đã tha mạng cho các bạn! Trong chiến tranh, cũng có những giây phút nhân đạo. Xin các ông nón cối nếu còn chút liêm sỉ, đừng mỗi năm đến ngày 30/4 quai mõm ra tung hô “Đại thắng mùa xuân!”

 

Mẹ kiếp! Thân phận người lính Việt Nam Cộng Hoà bi thảm như thế đó! Chúng tôi bị bắt phải buông súng ngay cả khi địch chưa đến, bị cấm không được bắn ngay khi địch trước mặt. Và rồi bản tin thế giới hôm đó tha hồ ồn ào, những tên phóng viên truyền hình sẽ to mồm lải nhải, VNCH mất vì quân đội không chịu chiến đấu, buông súng đầu hàng ...

 

Đêm ngày 30 tháng 4 năm 1975, hằng ngàn binh sĩ, quân cán chính VNCH bị Việt cộng tập trung trong một cánh ruộng khô nằm giữa Lai Khê và Bến Cát. Lần đầu tiên trong cuộc đời binh nghiệp, đêm nay đi ngủ không còn bận tâm bị địch quấy rầy, chúng tôi bị ép buộc trở thành “tù nhân tự nguyện.” Lính Trinh sát thoải mái nấu cà phê, hay ngồi nhìn sao uống trà, anh em hỏi tôi:

 

95, mình sẽ làm gì sắp tới đây?

 

Ai dzọt được thì cứ dzọt. Tôi trả lời.

 

 

Đêm nay anh không ngủ được! Nằm ngắm sao, nhớ về em! Chúng ta mới cưới nhau vào ngày 9/2/75 anh đếm trên đầu ngón tay đúng 80 ngày! Còn vài tháng nữa, anh mới đủ tuổi 25, và em bước vào tuổi 20! Đêm nay, chắc em khóc hết nước mắt nơi thành phố? Áo cô dâu vẫn còn mùi hương thơm và ngày vui qua mau!

 

Mặt trời bắt đầu hé dạng, anh em binh sĩ vẫn còn mệt mỏi ngủ li bì trên ruộng. Anh tỉnh dậy, lấy bộ quần áo bà ba đen vẫn thường đem theo trong ba lô, để hôm nào đi hành quân, quần áo ướt, thay và mặc đi ngủ. Một vài chú lính trong đại đội thấy, họ nheo mắt như lời chúc “thượng lộ bình an”, người khác bắt chước lấy trong ba lô ra quần áo khác thay.

 

Lên đường chính, xuôi Nam trên Quốc lộ 13 về hướng Bến Cát, con đường đã trăm lần qua lại, nhớ từng khúc quanh, ngã rẽ, thuộc từng tên con suối, xóm làng ... Đi không bao lâu, gặp một chiếc xe Honda ôm chạy lại hỏi thăm có muốn đi không? Anh nhìn bác tài và anh ta cũng nhìn anh, như thể hai bên đang nhận xét về nhau.

 

Anh đi đâu vậy?

 

Sài Gòn, anh có đi không?

 

Có chứ.

 

Anh lấy bao nhiêu?

 

Tuỳ anh hai!

 

Cuộc đối thoại ngắn như thế. Trên đường đi, anh tài xế xe ôm rút trong túi hai miếng vải đỏ, anh ta giữ một và đưa anh một, nói đeo vào cánh tay. Bác tài cho biết anh ta là người lính tại địa phương, biết rõ là anh đang trốn về, và nói lúc này ai ra đường cũng đeo băng đỏ là khỏi bị hỏi giấy. Thậm chí còn có thể đem theo súng M16 không sao cả! Tiếc thật, nếu biết được điều đó, chắc anh cũng đem theo khẩu Colt 45, giấu trong ba lô.

 

Câu chuyện đường dài nổ như pháo rang, bác tài nói nhiều nhất, và anh giữ im lặng là vàng. Sau hơn hai giờ xe chạy, về đến Sài Gòn, sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975. Ngay con đường chính từ ngã tư Hàng xanh rẽ vào Hồng Thập Tự, đường nhà em, tụi anh đã thấy vài chiếc xe tank cộng sản bị bắn hạ, cháy nám đen nằm phơi mình, như một báo hiệu, cuộc chiến chưa chấm dứt.

 

Xe dừng trước nhà em, hàng xóm đều thấy, mọi người lộ vẻ vui mừng. Anh trả tiền và bác tài không nhận. Tình huynh đệ chi binh là thế đó, nhưng đời nào anh chịu, trong túi còn bao nhiêu vét ra hết tặng người chiến binh vừa mới quen.

 

Em vui mừng đón anh trong vòng tay yêu thương! Vào nhà chào bố mẹ, tắm rửa, thay quần áo dân sự, anh chở em trên chiếc Honda PC 50 mầu xanh của em về thăm gia đình anh. Hai cụ sợ bảo vợ chồng mình không được ra đường, anh chỉ doạ nhẹ bố mẹ, “Ở xóm này, ai cũng biết con hết, ba mẹ muốn con ở nhà cho chúng bắt sao?” Thế là các cụ sợ hết hồn hết vía, để chúng mình ra đi.

 

Không cần biết ngày mai ra sao! Anh và em hãy sống trọn vẹn cho hôm nay! Tạm biệt bộ quần áo trận, tạm biệt súng đạn! Chúng ta bắt đầu lại từ con số 0. Chúng ta và toàn miền Nam Việt Nam đang đứng trước “Đường vào địa ngục” với quỷ dữ, vạc dầu, lửa sôi, tiếng la hét của người dẫy chết, và kẻ sống sót sẽ phải trải qua trước khi thấy trần gian trở lại.

 

Tuổi 20, cô thiếu nữ ngoan đạo, sáng, tối nào cũng đọc kinh cầu nguyện. Lạy Chúa nhân từ, xin Ngài hãy yêu thương và bảo bọc em. Niềm tin sẽ dẫn em bước qua lửa, và anh sẽ là ngôi nhà cuối cùng em cư ngụ.

 

Tuổi 25, anh chưa đủ kinh nghiệm làm người thợ xây tổ ấm cho em! Có thể Thiên Chúa sẽ thử thách lòng kiên trì, dũng cảm, và tình yêu anh dành cho em. Anh sẽ vượt qua tất cả, và giữ lời hứa cùng Thiên Chúa ngày chúng ta thành hôn. 

 

 

“Anh NTT, hứa sẽ luôn yêu em và sẽ mãi mãi yêu em dù có chuyện gì xảy ra sau này đi nữa. Với anh, em là tình yêu duy nhất và vĩnh viễn của anh suốt cuộc đời này.” 

 

“Em NTL hứa sẽ luôn yêu anh bằng sự dịu dàng chính mình, sẽ luôn kiên nhẫn trọn vẹn với tình yêu của chúng ta. Em sẽ cùng anh tận hưởng cuộc sống đầy tươi đẹp và bên anh mọi lúc khi anh cần. Em hứa sẽ một lòng hướng về trái tim ấm áp của anh bởi nơi đó chính là nhà của em.” 

 

 

Trái tim anh không phải lúc nào cũng ấm áp. Nhưng em, chính em sẽ sưởi ấm anh trong tình yêu của em. Chúng ta rồi sẽ phải đi qua địa ngục, em yêu!





No comments:

Post a Comment