Monday, October 25, 2021

THẾ HỆ PHẢN KHÁNG

CHIẾN TRANH – THÂN PHẬN – TÌNH YÊU 

 

Dù muốn hay không, chúng ta sinh ra đều mang DNA của thế hệ. Không ai được phép chọn lựa cha mẹ, mầu da, và quê hương! Thế hệ chúng tôi, chào đời trong chiến tranh, tuổi thơ bố mẹ đã phải bỏ nhà, bỏ cửa từ Bắc vào Nam. Em còn nằm trong bụng mẹ, khi gia đình băng ruộng, lội sông trốn chạy cộng sản, đi tìm tự do nơi Miền Nam thanh bình. Đau thương như thế, làm sao những thế hệ trẻ sinh sau cảm nhận được? Đừng mang kiến thức nhà trường ra tranh luận với kinh nghiệm sống, nếu ai đó còn chút thông minh.

 

Cũng đừng lên mặt chê bai, hãy để tâm hồn lắng đọng, qua bài tâm ca của Nhạc sĩ Phạm Duy “Đời sinh tôi ra tôi ra như thế ! Ðời sinh tôi ra tôi ra như thế ! Thương tôi thương tôi cho sống say mê. Không thương không thương xin giết tôi đi!” Tôi không đồng ý với nếp sống quá phóng túng không thể chấp nhận của Phạm Duy, cũng không ngửi được quan niệm chính trị đầu hàng cộng sản của ông. Nhưng làm sao phủ nhận thiên tài âm nhạc, phù thuỷ ngôn ngữ của Phạm Duy. Chúng ta yêu văn, yêu nhạc, chẳng ai bắt mình yêu người!

 

 

Biết ngày mai ra sao? Chuẩn uý Phạm Quốc Anh, khoá 1/71 Thủ Đức (bên trái, hình trên) và Trung sĩ Tony Thạch (bên phải, hình trên) thuộc đại đội Trinh sát Trung đoàn 7, Sư đoàn 5. Cả hai còn rất trẻ, đầy mộng mơ tuổi hai mươi. Quốc Anh tình nguyện nhập ngũ, Tony Thạch thâm niên đơn vị còn lâu hơn tôi. Chẳng hiểu tại sao lại chọn cái tên Tony đứng đầu, vào thập niên 70 là một điều hiếm hoi. Thạch con nhà giầu, học trường Taberd, gia đình thừa sức lo cho một chỗ yên ổn tại Sài Gòn, không chịu, chọn kiếp sống Trinh sát mầy mò đi từ lính lên Trung sĩ. Nhưng si tình, thì anh chàng Tony là hạng nhất, người yêu của Thạch tên Nga, một nữ sinh trung học tại Lái Thiêu, Bình Dương, mê Nga đến nỗi tên nàng khắp nơi, trên nón sắt, ba lô, cám ơn Thượng Đế, Tony trở về bình an và lập gia đình cùng Nga.

 

Phạm Quốc Anh kém may mắn hơn, chỉ huy Trung đội Trinh sát tại mặt trận An Lộc 1972, khi đơn vị anh cận chiến với quân số đông gấp nhiều lần, Phạm Quốc Anh đã can đảm xin phi cơ trực tiếp thả bom lên đầu, không van xin, không nhắn nhủ, ngoài câu đàm thoại ngắn gọn, qua máy truyền tin PRC 25:“95” (Trung uý Đặng Văn Tuấn, khoá 24 Thủ Đức, Đại đội trưởng) đụ mẹ tụi Vịt con (Việt cộng) đông lắm. Hãy ném bom ngay trên đầu chúng tôi! Chuẩn uý Anh mang DNA KBC 4372. Hai Chuẩn uý Tân và Đệ, cũng hy sinh tại Phú Lố, hướng Tây thị xã An Lộc cùng một lúc. Chúng tôi không biết nhiều về Đệ, vì anh mới chuyển từ tiểu đoàn qua, người miền Trung, tương đối lớn tuổi, ít nói. Nhưng Chuẩn uý Tân thì vợ và đứa con gái mới sinh vài tháng, lên thăm đang sống tại hậu cứ Phú Giáo. Chị đến trễ, khi đơn vị đã ở Lộc Ninh, mất cơ hội gặp anh lần cuối, và Tân chẳng còn dịp hôn cháu bé trước khi lên đường!

 

“Hãy ném bom ngay trên đầu chúng tôi!” Tuổi trẻ Việt Nam Cộng Hoà anh hùng như thế đó, không cần đám báo chí khốn nạn tung hô. Chúng tôi sẵn sàng chết, Phạm Quốc Anh chấp nhận ra đi. Lời cuối là tiếng chửi thề “Đụ mẹ” nói lên tất cả nỗi bất hạnh của một thế hệ chưa bao giờ biết hoà bình! Máy bay thả bom theo yêu cầu, một số chiến binh Trinh sát, thành tro bụi dưới sức thiêu đốt của bom. Đơn vị mất đi những đồng đội thân yêu nhất! Một phép lạ, Phạm Quốc Anh thoát chết, bị thương, và trở thành tù binh của cộng sản, sau này được trao trả. Thời gian tham chiến tại An Lộc, chúng tôi nghĩ Phạm Quốc Anh đã ra đi như hai Chuẩn uý Tân và Đệ! Hình trên bên tay phải, Chuẩn uý Phạm Quốc Anh và Nguyễn Văn Tửu tại cánh rừng Lộc Ninh, xem bản đồ, vẽ đường rút quân về An Lộc, kịp thời bảo vệ thành phố trước ngày cộng quân mở cuộc tấn công. Có ai biết chỉ vài tuần sau, Phạm Quốc Anh trở thành tù binh? Người yêu của anh có khóc hết nước mắt, khi nhận hung tin từ đơn vị, tưởng rằng anh đã ra đi?

 

Gần nửa thế kỷ trôi qua, hãy trả lại niềm tự hào cho những chiến binh VNCH. Đại đội 7/5 Trinh sát có địa chỉ thư bưu chính riêng, KBC 4372 (Khu Bưu Chính) và đó chính là DNA của hằng trăm đồng đội đến và đi trước anh. Quân nhân VNCH ai cũng có DNA, chúng tôi nhớ suốt đời cùng số quân riêng của mỗi người. Chuẩn uý Tân và Đệ đã ra đi không một lời tạm biệt, đêm qua còn âm thầm cùng đơn vị, như những bóng ma, đạn lên nòng, giữ khoảng cách đi về hướng Tây thành phố, địa danh Phú Lố, buổi sáng họ chạm địch và không bao giờ về!

 

Năm 1969 khi mới ra trường, anh tình nguyện xin vào Trinh sát 7, nhưng lúc đó đơn vị đầy đủ sĩ quan, và được đưa ra Đại đội 11, Tiểu đoàn 3/7, Đại uý Trần Lương Tín, khoá 20 Võ bị làm Tiểu đoàn trưởng, đóng tại Phú Hoà Đông, Bình Dương. Ba tháng sau, chính thức chuyển về Trinh sát. Lúc đó, Trung uý Nguyễn Văn Minh, khoá 18 Thủ Đức làm Đại đội trưởng “95”, và Thiếu uý Đặng Văn Tuấn, khoá 24 Thủ Đức, Đại đội phó “59”. Trước năm 1972, Trung uý Minh, lên Đại úy làm Tiểu đoàn phó, và nhận được sự vụ lệnh thuyên chuyển về Tiểu khu, ông bàn giao chức vụ, xách ba lô đón trực thăng về Lai Khê, lấy vài ngày phép. Thương binh lúc đó quá nhiều, bãi đáp trực thăng ngay trên Quốc lộ 13 bị pháo binh VC bắn liên tục, cho nên việc tản thương không dễ dàng. Đại uý Nguyễn Văn Minh quyết định không lên máy bay, dành chỗ cho thương binh. Ông quay về ngủ chung tại tuyến phòng thủ của Trinh sát 7. Trong căn hầm chỉ huy, “Cọp”  lúc đó chỉ huy Trinh sát, thay cho Đại uý Tuấn ra làm Tiểu đoàn phó. Trong đêm Thứ năm 11 tháng 5 năm 1972 Cộng quân pháo kích như mưa sa, bão táp, 12,000 đạn pháo binh 130 ly nã vào diện tích 4km vuông An Lộc, vốn đã hoang tàn đổ nát, không một bức tường nào cao hơn nửa thước đứng vững. Khói, bụi và mùi thuốc súng quyện vào nhau trở thành một thứ độc hại vô cùng. Trong căn hầm nhỏ, tụi anh chen chúc, lớp căng võng nằm trên, người nằm dưới sàn, toàn những anh lính cả tuần chưa tắm, mùi mồ hôi chua nồng! Có ai hút thuốc lá, Đại uý Minh chửi, “Đụ mẹ thằng nào hút thuốc, đang ngộp thở không ra hơi, tắt thuốc không tao ném mày ra khỏi hầm”. Điếu thuốc tắt ngay, nhưng một giọng nói như biện minh: “Đại bàng ơi, trong này thúi quá em chịu không nổi!” Đời lính vui như thế đó, sống trong mùi hôi thối hay ngạt thở để chết? Khi cộng sản ngưng pháo kích, cũng là lúc chúng tấn công, tất cả ra khỏi hầm sẵn sàng chiến đấu. Súng bắn chiến xa M72 được các toán hai người một chia nhau án ngữ các ngã tư, đường hẻm, để chuẩn bị đón con cái bác và đảng. Có một người không ra khỏi hầm, Đại uý Nguyễn Văn Minh, người anh cả của đại đội, anh ra đi vì một mảnh đạn pháo, chui qua lỗ châu mai và cắm vào sống mũi! Nếu Đại uý Minh lên trực thăng tản thương bay về Lai Khê, anh đã không chết, người cao lớn, mạnh khoẻ, và chưa hề bị thương. Nhưng Nguyễn Văn Minh không hèn, anh ở lại cùng đồng đội, và mang theo DNA 4372 về cõi trời. Người lính đêm qua hút thuốc bị anh la, sáng hôm sau vừa khóc vừa đào huyệt mộ cho anh, cậu ta không quên cắm lên mộ một điếu thuốc Quân Tiếp Vụ thay nén nhang tiễn Đại bàng về chốn bình yên! Chúng tôi, lớp đàn em, xin vĩnh biệt Huynh trưởng.

 

Thế giới của anh như thế đó! Lớn lên với thuốc lá Bastos Xanh, không phải cần sa ma tuý. Hút Bastos Xanh vàng cả hai ngón tay kẹp thuốc, uống cà phê Thu Hương trên đường Hai Bà Trưng, đối diện Tobia cửa hàng bán quan tài, và đọc Phạm Công Thiện “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học.” Bác Sáu, người bưng cà phê ở Thu Hương nhớ tên từng thằng nhóc, học làm ông cụ, cà phê Filtre pha Rhum, ngồi nhìn từng giọt rơi xuống chút rượu Rhum nơi đáy ly, cảm nhận cả một cuộc đời, có lẽ rồi đây sẽ đắng như giọt cà phê pha chút ngọt mùi Rhum thơm, nhìn qua bên kia đường, những chiếc quan tài xếp ngay hàng của Tobia, chẳng lẽ tương lai gần như thế sao? Thu Hương là hiện tại, và Tobia tương lai gần! Rất nhiều khách hàng của Thu Hương, vài tháng trước mặt còn búng ra sữa, ăn mặc những bộ quần áo cũ mua ở Khu Dân Sinh, những chiếc quần Jean bạc mầu (nếu còn sạch sẽ thì lấy giấy nhám đánh cho bạc) trông cho ra vẻ nghệ sĩ khu Greenwich village bên New York, hay Montmartre, Paris (ảnh hưởng Phạm Công Thiện.) Tuổi trẻ ngây ngô, khờ khạo, nhưng vô cùng đáng yêu! Chỉ cần vắng mặt một năm, bác Sáu sẽ ngạc nhiên với những bộ đồ trận đủ mầu thay cho quần Jean cũ, cũng có khi chàng về trên đôi nạng gỗ, hoặc cánh tay băng bó đeo trước ngực. Biết đâu đó, có người tên đã xuất hiện trên bảng cáo phó? Chiến tranh tàn bạo đến không ngờ! Quán Thu Hương đã thay đổi khách hàng, lớp tụi anh vắng mặt, bọn trẻ sau này thay chỗ, và khác lớp đàn anh đi trước, chúng có bạn gái ngồi cùng! Thế là tụi anh đổi qua quán cà phê không tên ở cuối đường Pasteur, có hai chị em bán hàng, quán trong nhà, nhỏ hơn Thu Hương rất nhiều, nhưng ấm cúng, đặc biệt ở quán này quy tụ lại lớp tụi anh, quần áo lính với những khuôn mặt quen nhau, cà phê, khói thuốc và hai cô chủ liêu trai! Rất nghiêm trang, nên chẳng thấy tên nào tán tỉnh! Khách đến quán này đa số là lính, không ồn ào, nói chuyện vừa đủ âm thanh, không làm phiền lòng bàn bên cạnh và nghe nhạc Trịnh Công Sơn qua chiếc máy Akai, đặc biệt ít thấy sự xuất hiện của phái nữ!

 

Hạnh phúc của tuổi trẻ Việt Nam Cộng Hoà là được tự do suy nghĩ, cụ Ngô Đình Diệm hay cụ Nguyễn Văn Thiệu chẳng ai bắt chúng anh phải tung hô, như người anh em miền Bắc từ lúc sinh ra đến chết chỉ biết một lão Hồ. Thật là buồn nôn, bắt cả nước xúm vào ngửi một xác chết, thi nhau khen thơm! Khi con người bắt buộc phải sống chung với rác rưởi, xú uế, thì đất nước bị diệt vong sẽ không xa. Quay về chuyện chúng mình.

 

Nhật ký anh ghi, “Ngày 20 tháng 8 năm 1974, gập lại Lý và ra Nguyễn Huệ mua Hoa hồng, sau đó đưa em về nhà bố mẹ trên đường Hồng Thập Tự. Em mới đi làm lại, sau thời gian nghỉ vì đau thương hàn, nằm tại bệnh viện Saint Paul. Cô bé mặc áo dài, có những Hoa chuông nhỏ, mầu hồng, còn hơi xanh, nhưng Liêu trai” Đã gần một tháng chúng mình không có dịp nói chuyện qua điện thoại, anh bận hành quân liên tục, trong rừng thì lấy gì mà gọi? Hình bên dưới chụp tại phòng làm việc, cô bé gọi điện thoại, mặc chiếc áo trắng có những nhánh Hoa chuông mầu hồng, do anh mua tặng tại Thương xá Tax. Chưa được gần em, nhưng chiếc áo anh tặng đã thay mình ôm kín em, ấm áp trong yêu thương của “Cọp”. Tóc em dài quá vai, ước gì ngón tay anh thành lược?

 

Niềm vui của người chiến binh VNCH là có một tình yêu đơm hoa kết trái trên hoang tàn đổ nát của chiến tranh. Có một địa chỉ để gửi trái tim về sưởi ấm, em và hằng triệu thiếu nữ miền Nam chính là địa chỉ an lành, thiên thu của tụi anh. Thật sự anh không ngờ lại có giây phút hạnh phúc như thế? Nhà văn Nga, LeoTolstoy, nổi tiếng với tác phẩm “Chiến tranh & Hoà Bình” (War and Peace), tuổi trẻ VNCH chỉ có “Chiến tranh & Tình yêu” (War and Love.) Chúng ta chưa bao giờ biết Hoà bình! Thôi thì để tình yêu ôm ấp, vỗ về cho quên đi chiến tranh! Mà đúng như thế, khi chúng anh ngã ngựa, các người vợ lính trong đó có em đâu bao giờ bỏ chồng? Còn tình yêu nào cao thượng hơn thế? Miền Bắc, chủ nghĩa xã hội, ngàn năm sau cũng không thể nào có một thế hệ chung tình trong đau thương, nghèo khó, như những phụ nữ trong Nam. Cộng sản đã thành công trong việc tha hoá nhân cách con người, đưa về thời man di, mọi rợ!

 


Chiếc xe Jeep đưa em về trước cửa! Nhà em ngay mặt đường và hàng xóm hai bên tò mò đứng nhìn! Cô bé mong manh bước khỏi xe, với bó Hoa hồng trên tay, bên anh lính quần áo bụi bậm, súng đạn lỉnh kỉnh làm tài xế, chiếc ghế sau của xe Jeep quay mặt nhìn ra sau, anh chàng Lâm súng đạn rất ngầu! Lần này lại có thêm Sen, một chiến binh được bổ sung vào Trinh sát trong mặt trận An Lộc. Sen trước đây thuộc binh chủng rất dữ dằn, cậu ta đào ngũ, bị bắt làm Lao công Đào binh, sau đó được ân xá vào Mùa hè Đỏ lửa 1972. Chẳng phải khoe khoang gì, tụi anh đi từ mặt trận về, vội đến tìm em ngay trước giờ tan sở. Vượt qua cõi chết để gần em, mang theo súng đạn vì vậy, người Sài Gòn biết rõ điều đó, không ai tỏ vẻ khó chịu. Chúng ta đi mua hoa rồi về ngay, em hỏi: Anh vào nhà chào ba mẹ nhé! Lời mời quá bất ngờ! Biết thưa thốt gì với các cụ đây? Thật sự em cũng chưa bao giờ chuẩn bị cho màn giới thiệu này. Hay em đã kể nhiều cho các cụ về nguồn gốc những bó Hoa hồng? Anh lúng túng, còn hơn là ngày đầu ra trận!

 

Ba mẹ em rất ngạc nhiên khi gặp anh, có phải các cụ bị choáng ngợp về tên lính râu ria, bụi đời, mà cô con gái út nhặt ở đâu đó mang về? Hắn không phải bác sĩ, luật sư, hay con nhà giầu! Hắn đến từ một khung trời, tên nghe thì gần nhưng lại rất xa, nơi đó họ là khách hàng thường xuyên của những cáo phó đăng trên báo mỗi ngày ... Chừng ấy thôi liệu có khiến ba mẹ em lo âu?

 

Nhưng hoàn toàn không, hai cụ rất vui, bố quan sát anh nhiều hơn nói, mẹ hiền từ cho anh biết: Khi nào về phép, cháu cứ lại thăm hai bác và em nó. Thật là tuyệt vời. Lòng anh vui như Tết!

 

Phép rất ngắn, chỉ 48 giờ, Sen xin đi theo về thăm gia đình. Sau khi đưa anh về nhà, Lâm đưa Sen về nhà anh ta và hẹn cả hai sẽ quay lại gặp anh vào sau giờ cơm chiều! Anh tặng hai chú em vài ngàn đến từ tiền lương để dành của mình, gia đình Lâm ở xa, nhưng Sen cũng nên có chút quà cho thân nhân. Một điều không thể quên, là súng đạn phải để ở nhà ba mẹ anh, hai cậu lính mà mang vũ khí lang thang Sài Gòn rất dễ bị Quân cảnh hốt về Quân vụ Thị trấn.

 

Khoảng sau giờ ăn cơm chiều, Lâm và Sen trở lại với quần áo lính sạch sẽ, tối nay anh lại thăm em tại nhà. Xin phép bố mẹ cho mời em đi chơi. Đâu có dễ như vậy? Mẹ nói, “Tối rồi, anh đưa em đi bộ ra uống nước gần nhà thôi.” Được như thế là quá vui rồi, anh nào dám đòi hơn! Từ nhà em trên đường Hồng Thập Tự, đi vài trăm thước sẽ có quán nước, thôi thì không lên Sài Gòn vào Brodard hay Givral, thì hai đứa mình đi gần nhà.

 

Mải mê tay nắm tay bên nhau, chúng mình đâu biết, Lâm ngồi giữ xe trước cửa nhà em, và Sen âm thầm đi sau. Sen thuộc nhóm quân nhân luôn luôn bên cạnh anh khi súng nổ, nhóm lì nhất của đại đội, bên những chiến binh như Sen anh rất yên tâm khi giao tranh, hoặc lên tuyến đầu đối diện quân thù. Một kỷ niệm khó quên, tại nơi em ở có một chú lính cũng thuộc binh chủng dữ dằn để ý đến em, dĩ nhiên cậu ta không thích khi thấy hai đứa bên nhau, và tiến ra định gây sự. Cám ơn Sen, anh chàng cao trên một thước bẩy đã nhanh chóng can thiệp. Không có đánh nhau, hay ồn ào! Sen chỉ đứng giữa anh chàng muốn kiếm chuyện và chúng mình, nói vài câu thế là xong. Cũng hay, vì từ đó chú em dữ dằn biết mình không có cơ may! Đưa em về nhà, giấu kín chuyện không vui, bố mẹ yên tâm. Lâm kể: Em thấy thằng đó muốn kiếm chuyện với “95” nên em nói Sen đi theo sau cho chắc ăn. Cám ơn những người anh em đã sống chết bên nhau. Huynh đệ chi binh như thế đó, khi chúng anh chẳng may nằm xuống tại mặt trận, chính những người đồng đội này sẽ sống chết tiến lên lấy xác mình, khi một ai đó quấn tròn trong poncho, hai đầu cột chặt, cũng những chiến hữu này sẽ khiêng thân xác bốc mùi băng rừng lội suối về hậu cứ.

 

Tình yêu trong chiến tranh vội vã chạy đua với thần chết, em và anh, không ai nói ra. Nhưng trong tận cùng tâm khảm, chúng ta biết! Quên đi những nguyên tắc cổ hủ, trên một ý nghĩa nào đó, chúng ta cũng chẳng thua gì bọn Hippies bên trời Âu. Sống vội vàng, kẻo mai này không còn sống! Yêu vội vàng, biết đâu ngày mai không còn bên nhau? Khác một điều, bọn anh Hippies nhưng không trốn lính, không hút cần sa, và không ồn ào trên báo chí quốc tế, em Hippies trong lễ giáo, yêu lính không phải là cái tội! Ba mẹ em đã biết anh, tại sao em không xin hai cụ lên đơn vị thăm anh một lần? Em hứa sẽ xin phép.

 

Cánh rừng Đông Bắc Lai Khê, ngày 20 tháng 9 năm 1974, ba mẹ cho phép, nhưng em phải rủ một cô bạn tên Liên, làm cùng sở hộ tống. Lâm về Sài Gòn đón Thiếu uý Tiêu Quốc Quyền đi phép lên đơn vị, nhân dịp đó đưa em và Liên đến thăm. Chiếc xe Jeep của đại đội mang số 150-968 trở thành gạch nối giữa đôi ta. Anh còn nhớ, em mặc bộ complet mầu xanh, chiếc áo dài tay trắng bên trong. Đơn vị đóng quân trong một khu rừng cách căn cứ Lai Khê 2 Km về hướng Đông Bắc, xem như một hình thức dưỡng quân, nằm tiền đồn cho Bộ chỉ huy Sư đoàn. Lần đầu tiên em thấy nơi đóng quân, những chiếc võng rải rác, bên cạnh là hố cá nhân cùng súng đạn. Tố Quyên mời Liên về vị trí của anh ấy, để em tự do bên anh. Buổi trưa, cả bọn ăn cơm nhà binh chung: Gạo sấy, thịt hộp ba lát và canh chua lá giang, hai cô bé thành thị khen ngon (trong khi tụi anh ngán đến tận cổ) sau bữa ăn anh rủ em đi trên con đường mòn gần vị trí đóng quân (hình nhỏ ở dưới, bên trái), an toàn, tuy nhiên anh phải gọi máy truyền tin cho toán Trinh sát nằm kích xa biết, tránh ngộ nhận! Khu vực này cũng có những người dân đi làm rẫy, nên các toán kích phải gỡ mìn Claymore khi trời sáng, tránh cho người dân khỏi chết oan! Ngày hôm đó anh đã ngỏ lời cầu hôn cùng em, dĩ nhiên không có màn quỳ xuống trao nhẫn như phong tục bên Mỹ, cần gì chiếc nhẫn nếu chúng ta không có số ở bên nhau?

 

Anh muốn xin ba mẹ kết hôn cùng em! Lời tỏ tình đơn giản, đến từ anh chàng “Cọp” khiến em vô cùng ngạc nhiên.

 

Có vội quá không anh?

 

Đã quá muộn rồi em yêu! Lịch thời gian của người thành phố, khác với lịch của lính. Ngoài mặt trận, rất nhiều chiến binh không có may mắn để bóc tờ lịch sang ngày mai!

 

Sao thế anh?

 

Anh chỉ biết nói theo cảm nhận của trái tim mình.

 

Em muốn anh nói thêm đi, còn điều gì anh chưa nói?

 

Trái tim anh đã cháy bỏng, nó gần như muốn tan biến vào hư vô, hãy ấp ủ anh trong em.

 

Anh có thật lòng yêu em không? Em còn quá nhỏ, chưa biết gì!

 

Không đâu, nói yêu chưa chắc em tin, nhưng anh không thể sống thiếu em!

 

Em sợ một ngày nào đó anh sẽ bỏ em!

 

Chúa sẽ đưa anh về địa ngục.

 

Nghi lễ hỏi cưới đơn giản như thế! Giữa cánh rừng Lai Khê, lần đầu tiên chúng ta hôn nhau. Trong nước mắt em gật đầu, trong gió rừng anh hạnh phúc. Thú thật cùng em, anh đã trải qua nhiều cuộc tình, nói chữ “Yêu” với nhiều cô, để rồi chia tay nhanh không kém! Từ đó, đối với anh, chữ “Yêu” con người nói ra chưa chắc đã là đúng theo nghĩa của nó! Cả hai nói trong cảm xúc bốc đồng, hoặc tệ hơn để đạt một điều gì đó? Với em, anh cảm nhận rõ ràng là mình không thể sống thiếu nhau, và đó chính là điều gắn bó chúng ta 47 năm qua, sẽ đi tiếp vài chục năm nữa nếu Thượng Đế cho phép. Qua nụ hôn, anh biết thêm đối với em đây là lần đầu, với một anh chàng từng hôn nhiều phụ nữ, thuộc đủ mọi thành phần, kinh nghiệm dậy anh cô nào chưa biết hôn. Khi yêu, trái tim nóng hổi, sẵn sàng làm mọi việc để chinh phục nửa kia, nhưng rồi cũng có lúc trái tim phải nghỉ ngơi, đó là giây phút hai người xa nhau! Lửa không còn cháy, sẽ mau chóng tàn! Không thể sống thiếu nhau, bền vững hơn rất nhiều, nó như con người cần dưỡng khí! 47 năm bên nhau, đã dậy anh điều này, anh không thể vắng em vì không thể sống thiếu không khí.

 

Trang nhật ký rời rạc, anh may mắn tìm lại được trong đám sách báo cũ của anh Minh, lưu giữ đến mọt ăn gần hết. Sau ngày đàn bò vào thành phố 1975, gia đình nào cũng sợ hãi, đốt hết những gì liên quan đến Việt Nam Cộng Hoà. Tuy nhiên, theo trí nhớ và em cũng xác định, sau lần đầu lên thăm anh ngày 20/9/1974, em còn lên đơn vị vài lần nữa và chúng ta không nhớ ngày.

 


Lần thứ hai, đến thăm anh (hình trên, tay mặt) cũng trong năm 1974, khi đơn vị nằm trong rừng sâu, chờ tiếp tế trước khi nhận nhiệm vụ mới. Một Tiểu đội Trinh sát đi hộ tống và lĩnh tiếp tế. Lâm lại làm sứ giả tình yêu, đón em tại nhà từ sáng và lên chỗ nhận tiếp tế trên Quốc lộ. Em phải đi theo toán Trinh sát khoảng 45 phút băng rừng, lội suối vào nơi đóng quân. Sợ không em? Nếu không có một tình yêu chân thật, chắc không đời nào em tham dự những chuyến đi đầy nguy hiểm này! Chạm địch, rất có thể, em bắt đầu tập làm vợ lính.

 

Anh kể hết cho em nghe về cuộc sống bão nổi của mình. Những người thiếu nữ đã qua, nếu vì thế em từ chối không muốn đi tiếp, đó là ý muốn của Thượng Đế. Nhưng vẫn chưa hết, chị Mai là điều anh không biết nói như thế nào cùng em? Chị ấy thương cả hai đứa mình, khổ nỗi chuyện bồ bịch, trai gái của anh quá tệ, khó mà lay chuyển ý bà chị.

 

Một người vợ trước, có đám cưới linh đình, chưa làm hôn thú, và bỏ nhau một tuần sau, chỉ vì ông bố cô ta một nhà thầu khoán giầu có, đối xử với anh thiếu tôn trọng. Cô con gái cũng mang theo DNA của bố, rất tiếc cả hai không hợp nhau. Trong tiệc cưới, mấy ông em họ lại mời anh uống rượu, cô dâu ngồi bên cạnh ra lệnh cho anh ngồi xuống, không được uống! Trời đất hỡi, một thằng Đại đội trưởng Trinh sát, thử lửa 100 ngày An Lộc, bảo anh phải nghe một cô ranh con, ra lịnh trước họ hàng trong tiệc cưới, có ngủ mơ không? DNA 4372 không khoái kiểu ra lịnh này!

 

Vài phút sau, anh bỏ bàn tiệc, lên tầng lầu trên của khách sạn, ôm một cô vũ nữ quen từ trước, nhẩy như điên như cuồng. Đêm tân hôn, cô dâu về phòng không có chú rể? Anh động phòng với cô vũ nữ mất trinh từ kiếp nào, và sáng hôm sau hai đứa đón xe đò lên Đà Lạt. Ngang ngược như thế đó! Làm sao dám mong chị Mai tin mình? Những ngày tháng yêu em, anh suy nghĩ rất nhiều về việc ăn nói ra sao với bà chị và em?

 

Câu chuyện anh đi Đà Lạt không che dấu được, một bà cô bên vợ ở Đà Lạt về ăn cưới, anh hoàn toàn không biết mặt bà cô này, tình cờ gặp ngoài đường phố, bên người thiếu nữ khác, tay trong tay, thế là vài phút sau gia đình cô vợ không may biết tin, dĩ nhiên ba mẹ anh cũng nhanh chóng được thông báo! Thượng Đế sắp đặt cả, trên giấy tờ anh vẫn độc thân. Điều này càng khiến chị Mai lo hơn nữa, anh vẫn chưa tìm ra giải pháp ổn thoả! Sau khi ở Đà Lạt về, lên thẳng đơn vị, anh Minh đến tận nơi năn nỉ anh hãy cho cô ta một đứa con, rồi muốn đi đâu thì đi! Anh không chấp nhận, nhưng vài tuần sau có về nhà và ngủ với cô ta một vài lần, cả hai không hề cảm thấy một hứng thú nào, giữa hai người là một bờ vực thẳm, thà chia tay còn hơn sống kéo dài thêm đau khổ! Anh không ghét cô ấy, nhưng với bố cô ta nếu làm con rể, chắc có ngày anh bẻ răng ông cụ về cái tội phách lối. Chia tay là đúng, để anh khỏi phạm tội.

 

Chi, cô vũ nữ đi Đà Lạt một tuần với anh, biết luật chơi, cả hai cam kết không làm khó dễ nhau, xem chuyến đi như một sân ga, con tầu ghé lại và lên đường. Gặp nhau tại vũ trường, nếu cô ta ngồi bàn với một người đàn ông khác, anh sẽ không phá thối, và ngược lại, anh có quyền đi với bất cứ ai! Có lẽ anh quen và thoải mái với luật rừng hoang?

 

“Cọp” không dễ gì sống trong một môi trường giới hạn bởi những nguyên tắc và luật lệ, bất cứ ai có ý định nhốt vào chuồng, dù có là một cái chuồng đẹp đẽ, sang trọng cũng sẽ vô ích. Em chưa bao giờ đòi hỏi, ràng buộc anh, chưa hề ép anh phải đi vào con đường em muốn. Em hiền như ma soeur, âm thầm lẳng lặng bước đi, không roi, không vọt và cứ thế bên em là “Cọp” song hành. Trên hành trình, có những lúc “Cọp” đi theo hướng của mình, và em ngoan ngoãn bước theo, không một lời than vãn hay buồn phiền. Số phận đã ràng buộc chúng ta bên nhau. Hiền dịu và nhẫn nại, em đã chinh phục “Cọp.”

 

Những ngày cuối năm 1974, chiến tranh trở nên khốc liệt. Quân đội Việt Nam Cộng Hoà một mặt phải đương đầu với Việt cộng tại chiến trường với vũ khí, đạn dược được Trung cộng và Nga sô cung cấp vô giới hạn. Trong khi đó, đồng minh Hoa Kỳ, tàn nhẫn cắt giảm mọi nguồn quân viện. Đơn vị đi hành quân phải đếm từng viên đạn, sẽ không còn trực thăng tiếp tế giữa rừng. Thương binh tử sĩ sẽ không có máy bay tản thương, tất cả gồng gánh nhau mang về, đạn pháo binh chỉ có cấp Tư lệnh Sư đoàn mới có quyền cho bắn 5 quả! Quốc hội Mỹ từ chối viện trợ $300 triệu USD quân viện! Tên Thượng nghị sĩ Joe Biden khốn nạn tuyên bố, KHÔNG bỏ ra một USD để đón người tỵ nạn Việt Nam. Miền Nam Việt Nam chính thức bị đồng minh Hoa Kỳ bức tử!

 

Làm sao người lính đối đầu với quân thù tại mặt trận lại phải đếm từng viên đạn bắn đi? Đánh nhau với Việt cộng đâu phải phim cowboy miền Viễn Tây? Bắn hết đạn rồi thì chắp tay đầu hàng quân thù, lạy chúng, hay quăng súng bỏ chạy? Hình ảnh Hoa Kỳ sau Đệ nhị Thế chiến với thành tích hào hùng xây dựng lại một nước Nhật và Châu Âu hùng cường, đã hoàn toàn đổ vỡ sau khi nước Mỹ phản bội đồng minh VNCH và hôm nay là Afghanistan!

 

Từ nay trở đi, các quốc gia được Mỹ giúp phải luôn nhớ một điều: Hoa Kỳ sẽ không thể tin được là đồng minh lâu dài! Bạn phải nhanh chóng tự lập, tự cường, xây dựng đất nước, khi nào họ còn giúp. Và luôn chuẩn bị tinh thần sáng mai tỉnh thức chú “Sam” đòi ly dị. Chuẩn bị sẵn câu tạm biệt: “Fuck you! Go ahead make my day.”

 

Cộng sản Việt Nam hôm nay đang đi vào vết xe của Việt Nam Cộng Hoà 47 năm trước, khác một chút là VNCH theo Mỹ, và CSVN theo Tầu. Tiên sư bọn Ba Đình, ngu hơn bò, lịch sử một ngàn năm nô lệ Tầu chúng nó chưa mở mắt! Theo Tầu còn chết nhanh và thê thảm hơn là theo Mỹ, chưa gì biển đảo chúng đã lấy trọn! Người Việt trong nước, còn chút dũng khí, hãy tự hỏi tại sao các cơ quan hành chánh của Huyện đảo Trường Sa hay Hoàng Sa lại đặt tại Đà Nẵng? Nếu còn chút lương tâm, bạn có đau có khóc cùng cả trăm ngàn (có thể lên đến hơn một triệu) công nhân rời thành phố mang tên xác người ùn ùn về quê mới đây?

 

Em của anh, chúng ta quen nhau hơn sáu tháng rồi. Với tình hình đất nước tồi tệ như thế này, cả hai phải nhanh chóng làm đám cưới thôi. Ở mặt trận, anh thấy rõ cán cân đang nghiêng về phía địch không phải quân ta! Không phải bi quan, nhưng làm sao chiến thắng khi VC bắn hằng ngàn quả đại bác vô tội vạ, trong khi quân ta chỉ đáp lễ bằng vài quả như gãi ngứa? Đạn của csvn mang nhãn hiệu Nga Tầu, chẳng vinh dự gì hơn chúng ta, súng đạn made in USA! Fuck, bọn chính trị gia Dân chủ Mỹ, chúng giết cả một đất nước trên bàn tiệc tại Bắc Kinh!

 

Số phận chúng ta do Thượng Đế an bài! Ngài đã thu xếp để anh biết em chỉ vì chiếc điện thoại hư tại nhà ba mẹ. Ngài soi sáng và chỉ dẫn anh không được vội vàng, dành thời gian trồng những nhánh Hoa Hồng trên đường về nhà em. Khi hoa đã nở hai bên đường, Ngài cho anh về đúng lúc chị Mai vắng mặt để ra mắt em ... Tất cả có phải do Thiên Chúa sắp đặt không em?

 

Thế rồi một lần anh về Sài Gòn gặp em, chuyến đi cũng khá ma mãnh, ông em họ của anh là Thiếu tá Quân pháp, Dự thẩm tại Toà án Quân sự ngay bến Bạch Đằng, anh gọi điện thoại trước đó hai tuần nhờ Thái Vân cấp cho vài ngày phép, thế là có một trát toà gửi lên đơn vị, yêu cầu anh trình diện. Trung tá Đỗ Đình Vượng “44” gọi anh về Bộ chỉ huy, ông hỏi: “Mày làm ăn gì mà để Quân pháp nó gọi hầu toà?” Anh trả lời không biết chuyện gì, thế là “44” phải cho đi thôi. Lịnh hầu toà của Quân pháp rất oai em ạ, đơn vị không được quyền giữ lại. Thật sự anh không muốn nhờ Thái Vân phù phép, nhưng trong tình hình dầu sôi lửa bỏng này, không ông “44” nào lại cho Trinh sát đi phép cả! Khi anh vắng mặt, “44” cử một sĩ quan ban 3 ra phụ trách đại đội. Rời đơn vị sáng Thứ sáu, ở Sài Gòn hai ngày cuối tuần, Thứ hai trình diện Thiếu tá Thái Vân buổi sáng, lấy dấu Quân pháp đóng vào giấy phép, tối Thứ hai may mắn nếu mời được em đi ăn, và sáng Thứ ba trở về đơn vị.

 

Về Sài Gòn chỉ vì nhớ em, mọi việc còn lại mặc cho con tạo xoay vần. Lúc này, anh vẫn chưa biết cách nào để giải quyết chuyện che dấu về chị Mai và em. Sáng Thứ bẩy, trong bộ quần áo dân sự, anh đưa em đi xem phim tại rạp Rex, chương trình là bát phố và ăn trưa trước khi về nhà. Buổi sáng, rạp Rex cũng thưa người, cả hai mang tiếng là xem phim nhưng đố đứa nào kể được chuyện phim! Từ Rex, băng qua đường là Thương xá Tax, anh định mời em vào Pole Nord ngay góc đường ăn trưa.

 

Thật không ngờ, trong lúc hai đứa dung dăng dung dẻ, thì gặp ngay vợ chồng anh Kỳ chị Mai đi ngược chiều! Đúng là “Sự gì Thiên Chúa đã sắp đặt, loài người không thể phân chia” có hai người khá bối rối đó là chị Mai và em! Có lẽ em mắc cỡ vì bị bà Trưởng phòng bắt gặp có bạn trai? Nhưng anh tin là chị Mai còn ngạc nhiên gấp vạn lần! Anh rất bình tĩnh.

 

Giới thiệu cùng anh Kỳ chị Mai, đây là Lý bạn em!

 

Lý, chị Mai là chị ruột anh, giới thiệu cùng em.

 

Lúc này anh mới thấy em vô cùng ngỡ ngàng, với đôi chút mắc cỡ. Anh mời hai vợ chồng chị Mai đi ăn trưa cùng tụi mình. Nhưng bà chị từ chối, và nhẹ nhàng tặng anh câu nói: Thằng khỉ!

 

Chuyện chúng mình thật nhiều may mắn. Từ nay trở đi anh đã trút được gánh nợ ngàn cân trên vai. Sau khi chia tay cùng hai ông bà, anh đổi ý không vào Pole Nord, chỗ đó quá ồn ào, các cô cậu Hippies và một vài anh lính tráng, chiếm hết chỗ. Chúng mình quay lại Continental ngay bên cạnh toà nhà Quốc hội, nơi đây yên tĩnh hơn, bàn ghế vẫn còn phong cách Pháp, khách hàng loại lớn tuổi và đa số là ký giả ngoại quốc, chẳng ai tò mò để ý đến mình. Anh dành khá nhiều giờ để ráp nối câu chuyện kể lại cho em. Nghe xong, em nói: Anh ghê thật! Không ghê như em nghĩ đâu. Hoàn cảnh khiến anh không còn cách nào khác hơn!

 

Chúng ta đã ra khỏi bóng tối, và ánh sáng hiện ra trước mặt! Tương lai xin để Thượng Đế soi đường, dẫn dắt.

 

 

 


Saturday, October 23, 2021

KHỞI ĐẦU MỘT TÌNH YÊU

CHIẾN TRANH – THÂN PHẬN – TÌNH YÊU

 

Sài Gòn 1974, thành phố vẫn bình yên mặc dù chiến tranh xẩy ra cách đó không xa. Người dân quá quen với đêm hoả châu sáng rực góc trời, hay thỉnh thoảng tiếng nổ xé rách màn đêm. Sáng mai tỉnh thức, một ngày vẫn như mọi ngày. Ai chết thì đăng cáo phó, người sống đọc rồi quên nhanh! Chiến tranh và hoà bình, như màn đêm và ban mai thay phiên nhau ngự trị, đến và đi âm thầm lặng lẽ, chẳng ai buồn để ý.

 

 

Không phải người dân vô cảm, nhưng chiến tranh vào thành phố đã từ lâu. Cộng sản đặt mìn nổ khắp nơi: Nhà hàng nổi Mỹ Cảnh, đến ga xe lửa ngay trung tâm thành phố, hay những toà building nơi có người Mỹ ở ... Dân chúng vượt qua nỗi sợ hãi để sinh tồn. Một lúc nào đó, ngoài đường phố bất ngờ thấy chiếc xe GMC Quân đội, ngồi trên hai hàng ghế là đơn vị danh dự, súng gắn lưỡi lê hướng lên trời, giữa xe quan tài phủ cờ vàng. Mọi người kính cẩn đứng yên, ngả mũ chào người ra đi, một giây sau sinh hoạt trở lại bình thường. Khi màn đêm buông xuống, vũ trường vẫn tiếp tục quay cuồng trong ánh đèn mờ ảo, từng cặp ôm sát nhau theo nhịp slow buồn, hay cuồng loạn với điệu pasodoble như chàng đấu bò Mexico ... Tất cả hối hả sống, không cần biết ngày mai ra sao! Đêm nay, cô vũ nữ sẽ phải chọn để thả hồn vào tiếng hát ray rứt của người ca sĩ trên sân khấu, hay bay bổng, u mê theo lời tán tỉnh của thằng đàn ông trả tiền để ôm cô? 

 

Chiến tranh biến cuộc sống thành vội vã, ngắn ngủi, và không ai biết ngày mai ra sao! Đã lâu lắm rồi chưa được đi phép, ở tuổi 24, Đại đội trưởng 7/5 Trinh sát, Trung đoàn 7, Sư đoàn 5 Bộ binh, anh cảm thấy mình già đi so với những người cùng trang lứa. Đời sống là một chuỗi ngày căng võng ngủ rừng, nằm bờ nằm bụi, nhiều hơn phố thị, dù là một thị trấn nhỏ mang tên Bù Đăng, Bù Đốp, hay sát vùng biên giới Bù Gia Mập. Bộ quần áo trận ủi hồ sạch sẽ trong căn phòng ở hậu cứ Phú Giáo, nằm cô đơn, ít khi có dịp dùng. Đơn vị hết hành quân trực thăng vận tăng phái cho Đồng Xoài hay Phước Long, về Lai Khê dưỡng quân vài ngày lại tùng thiết theo Thiết đoàn 1 Kỵ binh đi Xa Mát, Tây Ninh. Đại đội Trinh sát, cấp số 111 quân nhân với 9 sĩ quan cơ hữu và một sĩ quan Tiền sát viên Pháo binh. Anh phải học làm người lớn, học trách nhiệm, học làm gương, toàn là những môn không một anh nhóc con tuổi 24 nào ở thành phố phải trải qua. Các viện đại học không hề giảng dậy, những vị giáo sư đạo mạo ôm kiến thức khoa học hay ngồi trong tháp ngà tụng kinh Marx Lenin, chỉ là một mớ trí thức mộng du giữa ban ngày! Bọn nhà báo, ký giả, ký thiệt, kéo nhau xuống đường đi “Ăn mày” tại sao không mang chúng nó ra mặt trận để ăn mày Bắc quân, xem đứa nào còn nguyên cái sọ dừa lành lặn trở về? Một đất nước chiến tranh, không thể biểu diễn trò chơi dân chủ! Miền Nam mất nước vì thế! Dân chủ trong chiến tranh là tự sát! 

 

Chiến trường, không ai được phép thua vì cái giá phải trả quá đắt: Nhẹ thì nằm Quân y viện vài tuần, nặng hơn có thể mất tay, mất chân, tàn phế suốt đời, tồi tệ nữa là lên bàn thờ! Cả ba chọn lựa, không cái nào ra hồn! Khi súng nổ, anh phải học bình tĩnh để điều quân, mặt khác cùng Thiếu uý Phó hay Thiếu uý Khang, sĩ quan Tiền sát viên gọi pháo binh, hoặc liên lạc báo cáo với cấp trên. Nếu chẳng may đơn vị có ai hy sinh, cả đại đội say máu xông lên mang cho được xác bạn về, anh phải gạt nước mắt, ra lịnh an ninh bãi đáp trong rừng, gọi trực thăng đến tải thương và mang người nằm xuống về với gia đình! Tuổi trẻ, gánh trách nhiệm ngàn cân trên đôi vai! Chấm sai toạ độ trong rừng, pháo binh hay phi cơ thả bom lầm, vài chục chiến binh ra đi, nếu anh không chết, sẽ có Toà án Quân sự và Quân lao chờ đợi, có sống cũng khó nuôi, bản án lương tâm theo suốt đời! 

 

Tuổi trẻ của anh như thế đó, không hiền hoà, cũng chẳng có thời giờ mơ mộng, sống hiện sinh hơn cả Jean Paul Sartre và bọn Hippie chống chiến tranh bên trời Âu Mỹ. Chẳng riêng gì anh, đơn vị toàn lính trẻ, độc thân, ba gai, liều mạng, cũng có những người sống lâu trong đơn vị, lập gia đình và thường được đưa vào vị trí ở hậu phương, phụ trách Quân số, Tiếp tế, Tiếp liệu. Thượng Đế có quá bất công không? Khi tuổi trẻ Việt Nam phải sống với bom đạn, làm quen với xác chết, khóc âm thầm để những giọt nước mắt chảy ngược vào tim, quấn xác đồng đội trong poncho, mà chỉ vài phút trước còn chia nhau điếu thuốc lá. Trong khi đó, nửa vòng trái đất, bọn Hippie gào lên khản cổ chống chiến tranh, sau những giây phút lên đồng, chúng xúm lại hút cần sa, làm tình, nhân danh hoà bình. Tranh đấu cho hoà bình như thế đấy! Đứa nào mang quân xâm lăng miền Nam Việt Nam? Ai cần chúng mày giải phóng? Bọn phản chiến Hoa Kỳ không hề lên án kẻ xâm lăng, nhưng lại kết tội người bảo vệ! Tiên sư một lũ khốn nạn, bất nhân! Lính chửi thề vì thế đó, chửi mãi thành quen, chửi đời khốn nạn, chửi khi còn sống, chửi khi khiêng xác bạn vừa nằm xuống, chửi trên bụng cô gái điếm nằm hát vu vơ, mặc mẹ thằng lính làm cho xong chuyện! Không biết chửi, nỗi uất hận trào dâng, chỉ có nước chết sớm. Chiến tranh có ngôn ngữ riêng của nó, bất mãn nổ như tạc đạn. Giá ông Thiệu có can đảm như Park Chung Hee của Nam Hàn, cứ cho đám lính rừng này về thành phố, dẹp bọn biểu tình chống chiến tranh, ném lũ thầy tu to mồm vào một xó, dồn mọi tài nguyên, nhân lực ra chiến trường, chúng ta đã giải phóng miền Bắc, thay vì để đàn bò lếch thếch vào miền Nam năm 1975. 

 

Đại đội 7/5 TS được đưa về bảo vệ Bộ chỉ huy nhẹ của Trung đoàn 7 đóng cùng Thiết kỵ tại căn cứ 82 An Điền, Rạch Bắp, do Trung tá Nguyễn Thừa Dzu, Trung đoàn Phó chỉ huy. Ám danh đàm thoại trong đơn vị, ông là “43”, Trung tá Đỗ Đình Vượng, Trung đoàn trưởng danh hiệu “44”, và Đại đội trưởng Trinh sát “95”. Dĩ nhiên những danh xưng bằng con số này chỉ biết riêng trong đơn vị, nhưng khi hành quân, mật hiệu được thay đổi liên tục theo đặc lệnh truyền tin, và dùng tên thay số. Thường thì Bộ chỉ huy nhẹ của Trung đoàn đóng cùng một Tiểu đoàn + (có nghĩa là một Tiểu đoàn được tăng phái thêm các đơn vị khác), những cuộc hành quân lớn đóng chung với Thiết kỵ, Pháo binh và Trinh sát. Đơn vị được dưỡng quân khoảng một tuần, đưa về đóng cùng BCH Nhẹ. Trong một tuần đó, nhận tiếp tế lương thực, đạn dược, bổ sung quân số, cho lính và sĩ quan đi phép, và hằng đêm gửi những toán kích nằm xa bảo vệ. Trung tá Nguyễn Thừa Dzu, một sĩ quan kỳ cựu, khoá 10 Thủ Đức, cùng khoá với ông nhiều người lên Tướng, vui tính, nghệ sĩ, và gần gũi với lính. Ông từng là Đại uý, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 Biệt Động Quân, đóng ở Đà Nẵng, và một sĩ quan trẻ, rất nổi tiếng khác, Trung Uý Tôn Thất Trực làm Tiểu đoàn phó. Trong vụ biến động Phật Giáo Miền Trung, năm 1966, Tiểu đoàn 11 Biệt Động Quân đứng về phía Phật giáo chống lại chính quyền Sài Gòn. Theo tài liệu đăng trên Bến Cũ, ngày 16/10/2009, tác giả Hân Ng, có ghi lại giai thoại như sau: 

 

Ý thức được tầm quan trọng và nguy hiểm khôn lường của TĐ 11/BĐQ Đại tá Nguyễn Ngọc Loan, khi đó, đã cử rất nhiều người ra Đà Nẵng, như các ông Phạm Huy Sảnh, Trần Minh Công, Trần Thụy Ly…kín đáo gặp gỡ Đại úy Nguyễn Thừa Dzu, thuyết phục quay súng trở về với chính phủ. Cuối cùng, ông Nguyễn Thừa Dzu đã đồng ý với một điều kiện là phải thu xếp cho Trung úy Tôn Thất Trực, khi đó là Tiểu đoàn phó TĐ 11/BĐQ một chức vụ tốt hơn ở trong Nam. Vì ông Dzu lo ngại Trung úy Tôn Thất Trực sẽ chống lại quyết định của ông bằng cách lôi kéo một số binh sĩ TĐ 11/BĐQ tiếp tục tham gia phe ly khai, chống chính phủ. Tác giả hồi ký “Biến Động Miền Trung” nhấn mạnh: “Nếu Nguyễn Thừa Dzu không quay trở lại với chính quyền trung ương, tôi nghĩ hậu quả sẽ rất khó lường. Nói cách khác, vai trò của ông Dzu trong thời điểm đó, cực kỳ quan trọng. Có thể nói là mang tính lịch sử…

 

Năm 1966 anh còn mài đũng quần ở trung học, sau này biết được tiểu sử “43” qua các sĩ quan đàn anh. Trong cương vị Trung đoàn Phó, ông rất kín đáo, ít nói, và không bao giờ kể chuyện về mình. Tuy nhiên, đơn vị ai cũng dành cho đại niên trưởng “43” một sự kính trọng đặc biệt, kể cả ông “44”. Điều duy nhất anh biết là “43” rất nghệ sĩ, trong thời gian đó, ông cặp bồ với một ca sĩ nổi tiếng, chị KT. Ông cũng từng là cựu Quận trưởng, Quận 9, Sài Gòn, được biết đến qua tên “Cò Dzu”. Những lần đơn vị về dưỡng quân, “43” bao giờ cũng biệt đãi anh một bữa ăn tại hầm chỉ huy, hoặc ra ngoài quán gần chỗ đóng quân, có thể nói đàn anh “43” rất cưng thằng em “95” vì hợp gout nhẩy đầm, ăn chơi bạt mạng, dĩ nhiên làm sao “95” bằng “43” được. Nhưng tình nghĩa thầy trò thì quá đúng!

 

 

Căn cứ 82 nằm cô đơn, trấn giữ ngay đường tiếp liệu và chuyển quân của cộng sản, nói là dưỡng quân với Trinh sát có nghĩa là không phải vào rừng săn giặc, nhưng các toán kích vẫn chia phiên hoạt động xa căn cứ, toán nào được nghỉ, sẽ thay nhau đi phép, bộ chỉ huy đại đội đóng cùng “43”, thời gian thuận lợi đề xin đi phép. Đại đội phó Thiếu uý Tiêu Quốc Quyền, danh hiệu “59” đi trước ba ngày, và mình sẽ đi sau. Quyền rất đàng hoàng, đẹp trai, các cô thiếu nữ ở những nơi đơn vị đi qua đều nhìn anh chàng “59” với đôi mắt có đuôi và nụ cười bí ẩn, nhưng chẳng bao giờ thấy hắn tán tỉnh ai cả, không biết ở quê nhà Phan Thiết chàng có ai không? Sau năm 1975, các sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà phải trình diện học tập cải tạo (chữ cộng sản dùng, nhưng thật ra là đi tù) Theo anh em được thả ra sau năm mười năm lăn lộn sống chết trong trại tù kể lại, Thiếu uý Tiêu Quốc Quyền cùng một vài sĩ quan khác đã trốn trại. Họ cướp súng và bắn bọn cai tù, không may Quyền đã hy sinh trong trận đụng độ. Tiêu Quốc Quyền ra đi anh hùng, không hổ danh lính Trinh sát, anh đã hạ sát vài tên cai tù trước khi nằm xuống. “59” Vinh danh anh trong trái tim của những người yêu tự do. 

 

Quyền, có danh hiệu riêng là “Tố Quyên” khi “59” đi phép lên, anh gặp “43” xin vài ngày về thăm gia đình. Trung tá Nguyễn Thừa Dzu rất chịu chơi, ông nói: “Mày lâu rồi không đi phép, tao ký cho ba ngày chính thức, và cho thêm hai ngày đi trễ. Không được quá năm ngày, OK?” Mừng gần chết, nhưng anh không thể đi thêm hai ngày phép miệng được, làm như vậy mất uy tín với Tố Quyên và anh em trong đơn vị! 

 

Chẳng phải tốt lành gì, mình là người độc thân, vợ con không có, chó mèo cũng không! Ấy là chưa nói đến mấy tháng lương trong rừng, chỉ đủ sống thoải mái vài ba ngày tại thành phố, năm ngày lấy tiền đâu? Mỗi lần về phép, anh đều ở cùng ba mẹ ban ngày, nhưng đến tối sẽ biến ngay. Vũ trường và những cô vũ nữ đã quen mặt, may mắn sẽ có cô bằng lòng về khách sạn qua đêm. Chẳng yêu thương, tình tứ gì cả, một con thú hoang thiếu giống cái và một nàng vũ nữ cần chút hơi đàn ông. Hôm nào không có ai, thì về nhà với ba mẹ, ngủ say như chết đến tận chiều hôm sau. Sống bạt mạng, vì ngày mai vào rừng không biết còn ngày về chăng? 

 

Chiến tranh, những chiếc trực thăng ném mình xuống một vùng xa lạ, rồi từ đó đi theo mục tiêu tìm đường về. Có lúc nhét nhau dưới lòng những chiếc tầu của Giang đoàn 24 hay 30 Xung phong, Hải Quân, lội nước ngập ngang ngực vào chiến khu địch. Chẳng có ngày nào êm ả. Trung tá Dzu biết điều đó, ông đã từng trải qua cả chục năm trước, và thương lính vì thế! Trước đây, có lần đơn vị đóng quân tại Lai Khê, lúc đó anh còn là Trung đội trưởng Viễn thám, và Đại đội trưởng là Đại uý Nguyễn Văn Minh “95”, khoá 18 Thủ Đức, nổi hứng dùng xe Jeep chở vài sĩ quan dưới quyền về đại náo khu xóm điếm có tên không hay chút nào “Ngã ba chú ía”, ngay gần bệnh viện Cộng hoà cũ. Đại đội phó Trung uý Đặng Văn Tuấn “59” khoá 24 Thủ Đức, ở nhà giữ chùa! Chương trình khá đơn giản, chơi điếm, xong về nhậu tại Bến Cát, vài ngày sau thằng nào mắc bệnh là biết ngay. Tin vui là được khai bệnh ở nhà, tin không ai thích là gập Bác sĩ Võ Tấn Tài, Tiểu đoàn 5 Quân Y, Bộ Chỉ huy Sư đoàn 5 tại Lai Khê, anh Tài làm việc dưới quyền Bác sĩ Nguyễn Nam Hùng, Y sĩ Trưởng Bệnh xá Quân y SĐ 5. Quan đốc Tài dùi cho một mũi trụ sinh tê cả một bên chân, bước đi không nổi, và bắt uống một lô thuốc trước mặt. Nghề chơi cũng lắm công phu! 

 

Chiếc xe Jeep chạy với tốc độ nhanh nhất, trên con đường bụi đỏ mờ mịt, về đến Sài Gòn đã quá trưa. Hạ sĩ Huỳnh Thí Lâm, tài xế, và anh bước vào nhà cả ba mẹ không còn nhìn ra, một lớp bụi phủ kín từ nón sắt xuống đôi giầy nhà binh. Quân cảnh ở cầu Bình lợi trông thấy không buồn hỏi giấy, phất tay cho qua. Chương trình đi phép lần này cũng như mọi lần, xe Jeep gửi bên sân nhà biệt thự đối diện, cửa khoá an toàn. Lâm sẽ đón xe về nhà người quen ở Sài Gòn, súng đạn đem cất trong nhà ba mẹ, hai đứa tắm tẩy trần. Định mệnh như đã sắp đặt, hôm đó điện thoại tại nhà bị hư, ba nói với anh lên sở chị Mai, và nhờ cho nhân viên đến sửa. Ông cụ đã nói thì đâu dám cãi, với lại giờ đó còn sớm, chẳng vũ trường nào lại mở cửa vào lúc này. Mình cũng nên đến thăm bà chị cho phải đạo! Huỳnh Thí Lâm từng có nhiều năm xông pha trận địa, bị thương vài lần, trước khi trở thành hiệu thính viên (mang máy truyền tin) cho anh khi còn làm Trung đội trưởng Viễn thám. Đại đội Trinh sát có ba trung đội gồm một Viễn thám và hai Trinh sát, cấp số Viễn thám có bốn sĩ quan, một Trung đội trưởng và ba Trưởng toán, thông thường người chỉ huy Viễn thám phải là một sĩ quan nhiều kinh nghiệm, lâu năm và cũng là Đại đội phó. Dĩ nhiên là Lâm lớn tuổi hơn anh, nhưng quân ngũ cấp bậc là quan trọng, và Lâm thường gọi anh là “ông thầy” rất thông dụng trong quân đội. Thầy trò sống với nhau qua bao chiến trận, vào sinh ra tử, băng rừng vượt suối, thân nhau còn hơn anh em một nhà. 

 

Mùa hè đỏ lửa (1972), tại mặt trận An Lộc, Đại uý Đặng Văn Tuấn (Tuấn râu) Đại đội trưởng Trinh sát ra nắm Tiểu đoàn phó, và anh lên Đại đội trưởng. Nói cho oai, thật ra Trinh sát lúc đó thiệt hại rất nặng, chết và bị thương tại An Lộc hai phần ba quân tác chiến. Hai sĩ quan hy sinh, Chuẩn uý Tân và Đệ, Trưởng toán Viễn thám, Thiếu uý Phạm Quốc Anh, Trung đội trưởng Trinh sát, bị bắt làm tù binh, quân số khi anh nhận Đại đội có lẽ trên dưới 30 người, bao gồm cả thương binh, và anh là một trong số đó. Cũng may, khoảng tháng 6/72, đơn vị nhận lính bổ sung được trực thăng đưa vào An Lộc. Sau 100 ngày tử thủ, đơn vị trực thăng vận ra khỏi An Lộc, về hậu cứ Phú Giáo, và Lâm trở thành tài xế lái xe Jeep cho đại đội. Cậu ta xứng đáng được nghỉ ngơi. 

 

Chiếc xe Jeep M151 – A2 quân đội, bám đầy bụi đỏ được Lâm tắm rửa sạch sẽ, can xăng dự trữ 20 lít do “43” cho đã phải dùng đến. Loại Jeep lùn này uống xăng kinh khủng, có nghĩa là từ nay trở đi một phần ngân sách ăn chơi của anh trong ba ngày sẽ dùng để đổ xăng. Cả hai đã thay bộ quần áo trận mới, chỉ còn đôi giầy nhà binh vẫn còn xác xơ bụi đỏ, chẳng hơi đâu mà đánh bóng. Trên đường đến chỗ làm của chị Mai, Lâm hỏi: 95 có chương trình gì tối nay không? Anh trả lời: Victoria, tên một vũ trường quen thuộc nằm trên đường Võ Di Nguy, vừa qua khỏi ngã tư Phú Nhuận và Bệnh viện Cơ Đốc. Anh quen hầu hết các cô vũ nữ tại Victoria, quen cả những cô ca sĩ nổi danh. Chị Tài pán (người chỉ huy nhóm vũ nữ) cũng quen mặt và biết ý anh thích cô nào, để gọi cho ngồi cùng bàn. Tâm trạng lính về thành phố buồn vui xen lẫn, tiếng ồn ào xe cộ, dòng người hối hả, những cậu thanh niên tóc tai để dài bắt chước bọn Hippie Mỹ, lái xe Honda bạt mạng, nhìn lại mình và Lâm, hai thằng không giống ai. Nhưng cũng tự hào đôi chút với hai hoa mai đen trên cổ áo và chiếc xe Jeep nhà binh. 

 

Tuổi 24 sống giữa chiến tranh và hoà bình. Đêm nay, anh sẽ ôm một cô vũ nữ nào đó, không biết đôi chân quen nhẩy trực thăng, có còn mềm mại đưa nàng theo điệu valse không? Giầy Botte de saut bạc mầu liệu có dẫm vào chân nàng? Mình chỉ còn vài giờ, để trút bỏ đời sống rừng rú, quay về làm người thành thị. Chị Mai là Chủ sự phòng, công việc điều hành rất là bận, hai chị em đứng nói chuyện với nhau vài phút. Nhân viên, hết người này đến đưa công văn ký, người kia lại hỏi vài câu, chẳng ai để ý đến ai, tất cả như một guồng máy vận chuyển đều đặn. Làm công chức như thế sao? Có lẽ suốt đời anh không thể sống cuộc sống đơn điệu, sáng vác ô đi, tối vác về như thế này! Số phận anh là thú rừng không phải thú cưng nuôi trong nhà. Gặp bà chị thoáng qua vài phút, chị Mai rất bận với công việc, của phòng, nhân viên đi lại, người đến lĩnh hàng đứng đầy trước mỗi ô cửa, sinh hoạt như một guồng máy cứ đều đặn lăn bánh xe, không ngừng. Bà chị vừa nói chuyện vừa làm việc.  

 

Đang suy nghĩ tìm cách rút lui, tình cờ một cô nhân viên rất trẻ, khoảng tuổi hai mươi xuất hiện. Anh chưa bao giờ gặp một thiếu nữ xinh đẹp như thế! Cô bé đưa công văn để chị Mai ký, và nhanh chóng về chỗ làm! Chỉ một phút trước, không muốn ở chỗ này dù chỉ một giây, một phút sau anh đổi ý, chần chờ không chịu đi. Bà chị biết ngay, và đưa tay đẩy cậu em của nợ ra khỏi phòng. 

 

Chị giới thiệu cho em cô bé vừa rồi nhé. 

 

Thằng khỉ, mi đừng lộn xộn! Chỗ này là chỗ làm việc, đi chơi chỗ khác!

 

Biết là không xong, anh đành rút lui! Lính Trinh sát không dễ gì bỏ cuộc! Chị Mai còn lạ gì thành tích ăn chơi bạt mạng của cậu em út! Thay bồ như thay áo, nay cô này mai cô khác! Ngăn ngừa hậu hoạn trước cho chắc ăn. Anh không trách, nhưng làm sao chị biết được một rung động lạ kỳ vừa xâm chiếm hồn anh? Một tiếng sét, khiến anh choáng váng, một ngã rẽ của cuộc đời, và làm thay đổi mọi chương trình buổi tối ngày hôm đó. 

 

Rời văn phòng chị Mai, ra xe về nhà, anh rủ Lâm ở lại ăn cơm tối và ngủ đêm tại nhà ba mẹ. Buổi tối, hai đứa đón xe taxi đến quán Thu Hương trên đường Hai Bà Trưng, ngồi uống cà phê filtre pha Rhum. Lâm hỏi, anh không đi Victoria sao? Không! Anh kể cho Lâm nghe về chuyện gặp cô bé tại văn phòng bà chị, anh ta nói: Ông thầy bị cú sét ái tình rồi! Tâm sự cùng Lâm, anh cũng từng nếm mùi vài cú sét, nhưng tất cả nhanh chóng qua đi, như một tiếng nổ chỉ vừa đủ làm mình chớp mắt, và Lâm cũng biết một vài người, họ đến nhanh như chớp và ra đi cũng nhanh không kém! Đêm nay anh không đi nhẩy đầm, sau cà phê, đi mua một ít bánh ngọt về mời ba mẹ, và hai cụ còn ngạc nhiên hơn cả Lâm khi thấy anh ở nhà. Có lẽ đây là một dấu hiệu tốt thay đổi cuộc đời lãng tử? 

 

Biết đâu đó, chờ xem. Ngày hôm sau, điện thoại nhà dùng lại được, anh nhấc máy gọi chị Mai, giả vờ như người lạ, xin phép được nói chuyện với cô Lý. Chị nhận ra tiếng nói: Tuấn hả, mi đừng lộn xộn, ta mách ba bây giờ, và nhanh chóng gác máy! Anh biết tên em vì nghe chị Mai gọi. 

 

Ngày phép thứ hai, thời gian là tất cả, đến sở chắc là không xong rồi, sẽ bị tống ra ngay! Rủ Lâm đi ăn sáng, uống cà phê, sau đó hai đứa ra một điện thoại công cộng, thử thời vận lần thứ hai, anh không muốn dùng điện thoại nhà ngại các cụ nghe. Lần này chắc ăn, anh lấy khăn tay che ống nói, để bà chị không nhận ra giọng mình. Chuông reo, và tiếng bà chị xưng danh đầu giây. Anh nói dối tỉnh bơ: 

 

Thưa bà, tôi là anh ruột cô Lý, nhà có việc quan trọng xin cho gặp cô ấy ạ. 

 

Bà chị rơi vào bẫy ngay. 

 

Lý ơi, có ông anh em gọi. 

 

Bước đầu thành công. Chắc cô bé không tin là anh mình gọi, nên trả lời rất lịch sự. Dạ, thưa Lý nghe đây. 

 

Dĩ nhiên anh không thể nói tên thật của mình được, có thể cô bé đã biết, thôi thì cứ tạm dấu tên lúc này, mọi việc sẽ tính sau. 

 

Thưa cô tôi tên “Cọp”. Tiếng cười khúc khích nhẹ nhàng, dễ thương, đầu dây. 

 

Dạ, xin lỗi tôi không quen ai tên “Cọp” cả. 

 

Cô đã quen rồi. 

 

Dạ, quen hồi nào vậy? 

 

Cách đây một phút. 

 

Xin lỗi, tôi phải làm việc! Cô bé đáo để thật. Anh nghĩ, buổi điện thoại ngắn ngủi đầu tiên như thế là tốt quá rồi. 

 

Buổi tối ngày phép thứ hai cũng ở nhà, hai cụ ngạc nhiên hỏi sao con không đi chơi? Tự nhiên anh chán vũ trường, sáng nay đã để Lâm gửi xe và về thăm người thân ở Sài Gòn, vợ con Lâm ở tận miền Tây. Ngủ cho đã đời bù những ngày nằm rừng, buổi chiều ăn cơm chung với hai cụ và sau đó ra Givral mua hộp bánh ngọt cho hai cháu của chị Mai, đến thăm bà chị thì đã được âu yếm nhắc nhở ngay. Nói cho cậu Tuấn biết, Lý nó là con nhà lành, ngoan đạo, mi đừng lộn xộn! Biết ý bà chị như vậy rồi, anh chỉ cười, chơi với hai cháu Huyên và Phương. Rời nhà chị Mai trên đường Hoàng Hoa Thám, taxi chạy qua ngã tư Phú Nhuận, chỉ cần nói bác tài rẽ tay mặt trên đường Võ Di Nguy vài trăm thước là đến Victoria với ánh đèn chập chờn, tiếng kèn saxophone rên rỉ, quả cầu bằng thuỷ tinh muôn mặt trên trần xoay quanh với ánh đèn mầu. Anh sẽ trở về thế giới quen thuộc, tối nay sẽ có một cô vũ nữ nào đó trong vòng tay, biết đâu đó lại ngủ đêm nơi một khách sạn kín đáo, trên đường Hai Bà Trưng? Nhưng tất cả đã nguội lạnh, hình ảnh cô bé cứ vẩn vơ trong đầu! Quên Victoria đi, taxi đưa anh về nhà, các cụ lại vô cùng ngạc nhiên! Con “Cọp” đã no nê, nằm ngủ yên trong hạnh phúc. Ngày mai là phải trở về đơn vị, có nán lại thêm hai ngày cũng chẳng đi đến đâu. 

 

Ngày phép cuối cùng, xe phải rời Sài Gòn trễ nhất là 09:00 sáng vì lý do an ninh trên đường. Lâm đã có mặt tại nhà từ bẩy giờ, hai đứa đi ăn sáng, đổ xăng trước khi lên đường. Anh chợt có một ý nghĩ ngộ nghĩnh, chỗ làm của chị Mai rất đông khách ra vào, quay lại nhìn cô bé một lần trước khi đi. Anh nói Lâm chờ ngoài xe, đứng từ xa, anh thấy cô bé, nhớ mầu áo nàng mặc, sau đó ra xe tả hình dáng và mầu áo cho Lâm. Nói cậu ta vào tận nơi, đứng rất gần để nhìn mặt cô bé. Không ai biết Lâm, nên công việc của cậu ấy dễ dàng. 

 

Cô ta đẹp thật 95! Đó là nhận xét đầu tiên của anh chàng. Anh hỏi Lâm có nhớ mặt cô bé không? Trời ơi,người đẹp như thế làm sao quên được? Không biết anh này có nịnh không? Nhưng nghe cũng đủ vui rồi. Một địa chỉ nữa cần phải ghé, đó là quầy bán hoa trên đường Nguyễn Huệ, số tiền ba bốn tháng lương chưa dùng hết, sau khi đã mua quà cho ba mẹ và con chị Mai, anh đặt trước tiệm hoa một tháng, mỗi ngày đem một bó hoa đến tận sở tặng cô Lý, với tên “Cọp”. Tháng sau sẽ có người đến trả tiền tiếp, đơn vị luôn có xe đi công tác Sài Gòn mỗi tuần, chưa kể sĩ quan Trinh sát đi phép, đều có thể nhờ lo vụ này. Với lại mình cũng phải để chị Mai quên đi, bà ấy mà biết được là mọi chuyện hỏng hết, sẽ là duyên số không cho gặp nhau. Anh cũng cần thời gian để thử thách mình. Một tình yêu chân thật, hay chỉ một thoáng qua? Xa cách cũng là thước đo tình cảm con người, trong thời gian đó, nếu một bóng hồng nào vào thay thế em, đúng là số trời không cho chúng ta bên nhau. Hãy để cho số phận quyết định.

 

 

Theo lời dặn, cửa hàng Liên Hoa sẽ bắt đầu mang lại tặng em sau khi anh rời Sài Gòn. Anh không hề gọi điện thoại thăm em trong thời gian đó, vì đi hành quân lấy đâu ra điện thoại! Lúc nào về hậu cứ, anh gọi kiosque Liên Hoa xem họ có gửi đều không? Con đường Nguyễn Huệ trước năm 1975 với hai bên đường là những tiệm bán hoa, và phim ảnh, giờ đây không còn nữa. Một trời kỷ niệm, Thương xá Tax hơn 100 năm tuổi đã bị cộng sản phá! Nguyên khu phố Nguyễn Huệ từ Toà Đô Chính Sài Gòn chạy ra bờ sông nay đã thành phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh đầu tiên bên dưới, tay trái, kiosque Liên Hoa, nơi anh đặt mua hoa cho em. Hình bên phải là Thương xá Tax, cách nhau một con đường nhỏ dành cho xe hai bánh, cũng trên đường Nguyễn Huệ là dẫy kiosque bán hoa, phim ảnh, đĩa hát âm nhạc.

 


Anh đã không gọi em khá lâu, vì phải đi hành quân. Không nhớ rõ đã hơn 47 năm trôi qua, có lẽ anh đã nhờ một sĩ quan của đại đội, đi phép về trả tiền hoa cho tháng thứ hai? Không nhớ tên tiệm bán hoa, nhưng nhớ rất rõ vị trí nằm ngay đầu đường Nguyễn Huệ, từ Thương xá Tax, bước qua. Cám ơn Nhạc Xưa VN đã cho người viết một mảnh ký ức trọn vẹn: Kiosque mang tên Liên Hoa. Cám ơn Hải Saigon đã gửi hình sưu tầm từ Úc Châu.

 

 

Khoảng hơn một tháng sau khi gặp em, đơn vị về hậu cứ Phú Giáo để ứng trực, sẵn sàng lên đường trong 30 phút là chậm nhất. Ngoại trừ quân nhân có nhiệm vụ, được xuất trại, toàn đại đội ba lô sẵn sàng, lính tắm rửa, giặt giũ, ngồi đánh bài ở câu lạc bộ. Đại đội trưởng và Phó thường xuyên bị kêu đi họp tại Trung tâm Hành quân với Trung tá Đỗ Đình Vượng “44”, khoá 10 Võ bị Đà Lạt, Trung tá Nguyễn Thừa Dzu “43” và các sĩ quan ban 3 (Hành quân) ban 2 (Tình báo). Nếu có lệnh lên đường, Thường vụ Đại đội Trung sĩ Bộ, sẽ nhanh chóng đánh kẻng tập họp. Hình trên, bên trái: Trung sĩ Sơn, Hiệu thính viên toán Viễn thám đang đọc truyện, ngồi bên cạnh là Hạ sĩ Công, Viễn thám, có lẽ đang viết tên ai đó trên nón sắt? Bên phải hình ảnh một ngày ứng chiến, ngồi chờ gần bãi đáp trực thăng. Thường trong những lúc ứng chiến này, ông “44” hay sử dụng Trinh sát trong những cuộc hành quân “Diều hâu”. Đơn vị trang bị nhẹ, súng đạn là chính, trực thăng sẽ bốc đi trong ngày, thả xuống một hoặc hai ba mục tiêu để lục soát. Có khi đi cùng toán an ninh quân đội và một tù binh cộng sản dẫn vào mật khu tìm kho vũ khí. Hoặc đổ quân xuống một cánh rừng nào đó, giải cứu phi công bị bắn rơi. Điều anh yên tâm nhất là các anh em dưới quyền rất thản nhiên, bình tĩnh, họ xem như công việc bình thường, chẳng có gì phải lo lắng, anh học rất nhiều ở họ, hơn là họ học nơi anh.

 

Trực ứng chiến lần này không phải đi đâu! Gần một tuần phơi ba lô ngoài nắng, lau chùi đến mòn cả súng. Tụi anh ghét màn trực này nhất, nó gò bó, mình không còn làm chủ được giờ giấc, nhưng nhà binh đâu được phép chọn lựa? Ngay cả mạng sống mình cũng ngoài tầm tay. Anh vào văn phòng gọi điện thoại về em, dĩ nhiên không quên lấy khăn tay che ống nói, và bà chị lại mắc mưu lần nữa. Giọng em nhẹ nhàng đầu giây:

 

Dạ tôi nghe đây ạ. 

 

Chào em, anh là “Cọp.”

 

 Trời ơi anh hả? 

 

Cô nàng đã quen tên với những bó hoa hồng mỗi ngày. Giọng nói thân thiện hơn rất nhiều. 

 

Anh ở đâu vậy? 

 

Xa lắm! 

 

Xa là ở đâu? 

 

Dĩ nhiên anh phải nói dối em, vì nói thật thể nào chị Mai cũng biết. 

 

Phước Long.

 

Anh làm gì trên đó vậy? 

 

Phóng viên chiến trường! 

 

Lại nói dối! Cho đến lúc này, cô bé vẫn chưa thật sự biết mình là ai. Chắc cũng chẳng đoán ra được anh là em chị Mai? Tội nghiệp em quá, sẽ có một ngày em biết thôi, nhưng chưa phải lúc. Thời gian trôi qua, mức độ hành quân tăng lên. Điều duy nhất giữ mối giây liên lạc giữa chúng mình với nhau là những bó hoa hồng vẫn tiếp tục đến chỗ em làm mỗi ngày. Một cuộc tình khá lãng mạn. Muốn thăm em đâu phải dễ, còn bà chị kỳ đà cản mũi. 

 

Tháng thứ ba xa nhau, em vẫn chưa biết anh chàng “Cọp” này là ai, nhưng mọi người tại văn phòng đều biết là em có một cây “si” gốc đại thụ, và cô bé tuổi 19 hầu như ngày nào đi làm cũng nhận được một bó hoa. Anh cũng nhớ em quắt quay. Chuyện phải đến, sẽ đến. Một lần anh xin về phép 48 tiếng, Trung tá Vượng “44” OK. Đơn vị đóng ở Chơn Thành, cũng không mấy xa Sài Gòn, khoảng ba giờ xe Jeep, đường tương đối an ninh, Lâm và anh về đến nhà khoảng 12:00 trưa. Ba mẹ nhắc đến thăm chị Mai vì mấy hôm nay chị ấy đau không đi làm. Xin bà chị tha lỗi, em mừng gần chết, nhờ chị vắng mặt em mới dám đến sở gập cô bé. Sau đó sẽ thăm chị, và mua quà cho hai cháu. Chẳng cần tắm rửa thay quần áo, vẫn bộ đồ trận bụi bám đầy, nón sắt, dây ba chạc đeo súng, anh dục Lâm đi ngay. 

 

Đi đâu vậy “95”? Lâm hỏi. 

 

Lên chỗ cô bé làm, anh trả lời. Nhưng cẩn thận, trước khi rời nhà, gọi điện thoại cho chị Mai báo sẽ đến thăm. Thật ra, muốn biết chắc bà chị ở nhà, chứ ở Việt Nam ngày xưa đâu có vụ gọi điện thoại hẹn đến thăm! Mọi việc đúng là ý Chúa sắp đặt, thú thật trên đường về nhà, anh vẫn nghĩ mãi không biết cách nào đến thăm em? Bây giờ thì yên tâm quá đi rồi. Cô bé vẫn ngồi cắm cúi ghi sổ sách, trả lời khách hàng. Mọi người chờ đến phiên mình, sau khoảng một hai người, đến lượt anh. Đứng cách em một quầy ngăn, em ngước lên bình thản hỏi anh. 

 

Thưa ông, xin cho tôi xem giấy lĩnh hàng. 

 

Tôi không có, cô ạ! 

 

Em nhìn lại với vẻ ngạc nhiên! Chưa biết phải nói gì, thì anh tự giới thiệu. Anh là “Cọp” Đôi mắt em mở to với tất cả ngạc nhiên. Một tay em chận lên ngực. Anh không biết em nghĩ gì lúc đó? Nhưng nhanh chóng nói: 

 

Anh có thể chờ em trước cửa được không?

 

Dạ. 

 

Lúc đó cũng gần giờ tan sở, anh ra ngoài xe ngồi cùng Lâm, cho cậu ta biết, khi em ra làm ơn nhẩy xuống ghế sau ngồi, để anh lái. Chỉ mười lăm phút sau em ra, và thấy anh ngồi trên chiếc xe Jeep cũng bụi đời không kém. Anh mời em đi uống nước, em trả lời không được vì về trễ ba mẹ la. Sau vài câu chuyện, anh dậy em nói dối là phải ở lại làm thêm vì hàng về nhiều. Tình yêu, có những nói dối có thể tha thứ được em ạ. Có lẽ cả mấy tháng hoa hồng cũng làm say lòng em? Cần tìm hiểu thêm tên lính bụi đời này. Thôi thì nói dối ba mẹ một chút, Chúa cũng thông cảm! Thế là cô bé bước lên xe! Chúng ta vào Continental với sân vườn đằng sau cho mát mẻ. Nước uống chưa đem ra, em đã tra khảo anh. Chỉ vào bảng tên nhà binh may trên áo, em nói: Tên anh đâu phải “Cọp”? Anh đành chữa thẹn, “Cọp” là tên anh em ở đơn vị gọi và anh thích tên đó. Trên vai áo anh có phù hiệu Trinh sát, em lại hỏi, anh đâu phải phóng viên chiến trường? Ra quân lần đầu đã bị hạ 2-0! Anh đành xưng tội, sợ rằng biết mình là lính tác chiến, em không quen. Em nói Có sao đâu! Câu cứu bồ đúng lúc. Ngay lúc đó, anh tự hứa sẽ rất thành thật với em, nhưng có một điều chắc chưa thể thành thật là cho biết mình là em chị Mai! 

 

48 giờ phép trôi quá nhanh! Dự tính mời em đi ăn một bữa nhưng không thể thu xếp được. Sáng mai anh lại lên đường. Chiến sự đang trở nên khốc liệt, không thể vô trách nhiệm với đơn vị. Ông “44” rất nghiêm khắc, không khoái cấp dưới dỡn mặt. Trung tá Đỗ Đình Vượng từ Thuỷ Quân Lục Chiến chuyển qua, đánh giặc bình tĩnh như ngồi xoa mạt chược. 

 

Sáng hôm sau, trước khi rời Sài Gòn anh ghé ngang quầy bán hoa ở đường Nguyễn Huệ, trả thêm tiền cho tháng tới, và không quên mua một bó hoa, giao cho Lâm mang đến sở tặng em. Không ai biết mặt Lâm, ngoại trừ em, nhưng từ nay mọi người đoán anh chàng “Cọp” có thể là một sĩ quan cao cấp trong quân đội? Trung uý, tuổi 24 thì cao ở chỗ nào? Nhưng em là người thiếu nữ đầu tiên trong cuộc đời anh tặng hoa. Lâm trở ra xe khuôn mặt thật vui, “95” biết không, chị ấy nhận ra em ngay, và hỏi thăm anh “Cọp” đâu, em nói anh ngồi ngoài xe, chị ấy sẽ ra thăm anh ngay bây giờ. Em đã gặp anh, có vẻ trách móc, tại sao anh không vào? Nhưng em nào có biết, bà chủ sự phòng, hôm nay đã đi làm lại! Cuộc tình chúng ta còn mong manh lắm, em ạ! Thời gian sẽ cho em biết nhiều hơn. 

 

Cám ơn em đã cho anh những giây phút thần tiên ngắn ngủi ngồi uống nước bên nhau tại Continental! Cám ơn em đã thay đổi cuộc đời anh như một phép lạ. Hãy trả anh về với đồng đội, và nếu Thượng Đế thật sự gắn bó chúng ta bên nhau, Ngài sẽ để anh trở về bình an trong chinh chiến. 

 

Chẳng may, Ngài mang anh đi, hãy nhớ mãi một cuộc tình đẹp, và anh sẽ mãi bên em với những nhánh hoa hồng.