Saturday, October 23, 2021

KHỞI ĐẦU MỘT TÌNH YÊU

CHIẾN TRANH – THÂN PHẬN – TÌNH YÊU

 

Sài Gòn 1974, thành phố vẫn bình yên mặc dù chiến tranh xẩy ra cách đó không xa. Người dân quá quen với đêm hoả châu sáng rực góc trời, hay thỉnh thoảng tiếng nổ xé rách màn đêm. Sáng mai tỉnh thức, một ngày vẫn như mọi ngày. Ai chết thì đăng cáo phó, người sống đọc rồi quên nhanh! Chiến tranh và hoà bình, như màn đêm và ban mai thay phiên nhau ngự trị, đến và đi âm thầm lặng lẽ, chẳng ai buồn để ý.

 

 

Không phải người dân vô cảm, nhưng chiến tranh vào thành phố đã từ lâu. Cộng sản đặt mìn nổ khắp nơi: Nhà hàng nổi Mỹ Cảnh, đến ga xe lửa ngay trung tâm thành phố, hay những toà building nơi có người Mỹ ở ... Dân chúng vượt qua nỗi sợ hãi để sinh tồn. Một lúc nào đó, ngoài đường phố bất ngờ thấy chiếc xe GMC Quân đội, ngồi trên hai hàng ghế là đơn vị danh dự, súng gắn lưỡi lê hướng lên trời, giữa xe quan tài phủ cờ vàng. Mọi người kính cẩn đứng yên, ngả mũ chào người ra đi, một giây sau sinh hoạt trở lại bình thường. Khi màn đêm buông xuống, vũ trường vẫn tiếp tục quay cuồng trong ánh đèn mờ ảo, từng cặp ôm sát nhau theo nhịp slow buồn, hay cuồng loạn với điệu pasodoble như chàng đấu bò Mexico ... Tất cả hối hả sống, không cần biết ngày mai ra sao! Đêm nay, cô vũ nữ sẽ phải chọn để thả hồn vào tiếng hát ray rứt của người ca sĩ trên sân khấu, hay bay bổng, u mê theo lời tán tỉnh của thằng đàn ông trả tiền để ôm cô? 

 

Chiến tranh biến cuộc sống thành vội vã, ngắn ngủi, và không ai biết ngày mai ra sao! Đã lâu lắm rồi chưa được đi phép, ở tuổi 24, Đại đội trưởng 7/5 Trinh sát, Trung đoàn 7, Sư đoàn 5 Bộ binh, anh cảm thấy mình già đi so với những người cùng trang lứa. Đời sống là một chuỗi ngày căng võng ngủ rừng, nằm bờ nằm bụi, nhiều hơn phố thị, dù là một thị trấn nhỏ mang tên Bù Đăng, Bù Đốp, hay sát vùng biên giới Bù Gia Mập. Bộ quần áo trận ủi hồ sạch sẽ trong căn phòng ở hậu cứ Phú Giáo, nằm cô đơn, ít khi có dịp dùng. Đơn vị hết hành quân trực thăng vận tăng phái cho Đồng Xoài hay Phước Long, về Lai Khê dưỡng quân vài ngày lại tùng thiết theo Thiết đoàn 1 Kỵ binh đi Xa Mát, Tây Ninh. Đại đội Trinh sát, cấp số 111 quân nhân với 9 sĩ quan cơ hữu và một sĩ quan Tiền sát viên Pháo binh. Anh phải học làm người lớn, học trách nhiệm, học làm gương, toàn là những môn không một anh nhóc con tuổi 24 nào ở thành phố phải trải qua. Các viện đại học không hề giảng dậy, những vị giáo sư đạo mạo ôm kiến thức khoa học hay ngồi trong tháp ngà tụng kinh Marx Lenin, chỉ là một mớ trí thức mộng du giữa ban ngày! Bọn nhà báo, ký giả, ký thiệt, kéo nhau xuống đường đi “Ăn mày” tại sao không mang chúng nó ra mặt trận để ăn mày Bắc quân, xem đứa nào còn nguyên cái sọ dừa lành lặn trở về? Một đất nước chiến tranh, không thể biểu diễn trò chơi dân chủ! Miền Nam mất nước vì thế! Dân chủ trong chiến tranh là tự sát! 

 

Chiến trường, không ai được phép thua vì cái giá phải trả quá đắt: Nhẹ thì nằm Quân y viện vài tuần, nặng hơn có thể mất tay, mất chân, tàn phế suốt đời, tồi tệ nữa là lên bàn thờ! Cả ba chọn lựa, không cái nào ra hồn! Khi súng nổ, anh phải học bình tĩnh để điều quân, mặt khác cùng Thiếu uý Phó hay Thiếu uý Khang, sĩ quan Tiền sát viên gọi pháo binh, hoặc liên lạc báo cáo với cấp trên. Nếu chẳng may đơn vị có ai hy sinh, cả đại đội say máu xông lên mang cho được xác bạn về, anh phải gạt nước mắt, ra lịnh an ninh bãi đáp trong rừng, gọi trực thăng đến tải thương và mang người nằm xuống về với gia đình! Tuổi trẻ, gánh trách nhiệm ngàn cân trên đôi vai! Chấm sai toạ độ trong rừng, pháo binh hay phi cơ thả bom lầm, vài chục chiến binh ra đi, nếu anh không chết, sẽ có Toà án Quân sự và Quân lao chờ đợi, có sống cũng khó nuôi, bản án lương tâm theo suốt đời! 

 

Tuổi trẻ của anh như thế đó, không hiền hoà, cũng chẳng có thời giờ mơ mộng, sống hiện sinh hơn cả Jean Paul Sartre và bọn Hippie chống chiến tranh bên trời Âu Mỹ. Chẳng riêng gì anh, đơn vị toàn lính trẻ, độc thân, ba gai, liều mạng, cũng có những người sống lâu trong đơn vị, lập gia đình và thường được đưa vào vị trí ở hậu phương, phụ trách Quân số, Tiếp tế, Tiếp liệu. Thượng Đế có quá bất công không? Khi tuổi trẻ Việt Nam phải sống với bom đạn, làm quen với xác chết, khóc âm thầm để những giọt nước mắt chảy ngược vào tim, quấn xác đồng đội trong poncho, mà chỉ vài phút trước còn chia nhau điếu thuốc lá. Trong khi đó, nửa vòng trái đất, bọn Hippie gào lên khản cổ chống chiến tranh, sau những giây phút lên đồng, chúng xúm lại hút cần sa, làm tình, nhân danh hoà bình. Tranh đấu cho hoà bình như thế đấy! Đứa nào mang quân xâm lăng miền Nam Việt Nam? Ai cần chúng mày giải phóng? Bọn phản chiến Hoa Kỳ không hề lên án kẻ xâm lăng, nhưng lại kết tội người bảo vệ! Tiên sư một lũ khốn nạn, bất nhân! Lính chửi thề vì thế đó, chửi mãi thành quen, chửi đời khốn nạn, chửi khi còn sống, chửi khi khiêng xác bạn vừa nằm xuống, chửi trên bụng cô gái điếm nằm hát vu vơ, mặc mẹ thằng lính làm cho xong chuyện! Không biết chửi, nỗi uất hận trào dâng, chỉ có nước chết sớm. Chiến tranh có ngôn ngữ riêng của nó, bất mãn nổ như tạc đạn. Giá ông Thiệu có can đảm như Park Chung Hee của Nam Hàn, cứ cho đám lính rừng này về thành phố, dẹp bọn biểu tình chống chiến tranh, ném lũ thầy tu to mồm vào một xó, dồn mọi tài nguyên, nhân lực ra chiến trường, chúng ta đã giải phóng miền Bắc, thay vì để đàn bò lếch thếch vào miền Nam năm 1975. 

 

Đại đội 7/5 TS được đưa về bảo vệ Bộ chỉ huy nhẹ của Trung đoàn 7 đóng cùng Thiết kỵ tại căn cứ 82 An Điền, Rạch Bắp, do Trung tá Nguyễn Thừa Dzu, Trung đoàn Phó chỉ huy. Ám danh đàm thoại trong đơn vị, ông là “43”, Trung tá Đỗ Đình Vượng, Trung đoàn trưởng danh hiệu “44”, và Đại đội trưởng Trinh sát “95”. Dĩ nhiên những danh xưng bằng con số này chỉ biết riêng trong đơn vị, nhưng khi hành quân, mật hiệu được thay đổi liên tục theo đặc lệnh truyền tin, và dùng tên thay số. Thường thì Bộ chỉ huy nhẹ của Trung đoàn đóng cùng một Tiểu đoàn + (có nghĩa là một Tiểu đoàn được tăng phái thêm các đơn vị khác), những cuộc hành quân lớn đóng chung với Thiết kỵ, Pháo binh và Trinh sát. Đơn vị được dưỡng quân khoảng một tuần, đưa về đóng cùng BCH Nhẹ. Trong một tuần đó, nhận tiếp tế lương thực, đạn dược, bổ sung quân số, cho lính và sĩ quan đi phép, và hằng đêm gửi những toán kích nằm xa bảo vệ. Trung tá Nguyễn Thừa Dzu, một sĩ quan kỳ cựu, khoá 10 Thủ Đức, cùng khoá với ông nhiều người lên Tướng, vui tính, nghệ sĩ, và gần gũi với lính. Ông từng là Đại uý, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 Biệt Động Quân, đóng ở Đà Nẵng, và một sĩ quan trẻ, rất nổi tiếng khác, Trung Uý Tôn Thất Trực làm Tiểu đoàn phó. Trong vụ biến động Phật Giáo Miền Trung, năm 1966, Tiểu đoàn 11 Biệt Động Quân đứng về phía Phật giáo chống lại chính quyền Sài Gòn. Theo tài liệu đăng trên Bến Cũ, ngày 16/10/2009, tác giả Hân Ng, có ghi lại giai thoại như sau: 

 

Ý thức được tầm quan trọng và nguy hiểm khôn lường của TĐ 11/BĐQ Đại tá Nguyễn Ngọc Loan, khi đó, đã cử rất nhiều người ra Đà Nẵng, như các ông Phạm Huy Sảnh, Trần Minh Công, Trần Thụy Ly…kín đáo gặp gỡ Đại úy Nguyễn Thừa Dzu, thuyết phục quay súng trở về với chính phủ. Cuối cùng, ông Nguyễn Thừa Dzu đã đồng ý với một điều kiện là phải thu xếp cho Trung úy Tôn Thất Trực, khi đó là Tiểu đoàn phó TĐ 11/BĐQ một chức vụ tốt hơn ở trong Nam. Vì ông Dzu lo ngại Trung úy Tôn Thất Trực sẽ chống lại quyết định của ông bằng cách lôi kéo một số binh sĩ TĐ 11/BĐQ tiếp tục tham gia phe ly khai, chống chính phủ. Tác giả hồi ký “Biến Động Miền Trung” nhấn mạnh: “Nếu Nguyễn Thừa Dzu không quay trở lại với chính quyền trung ương, tôi nghĩ hậu quả sẽ rất khó lường. Nói cách khác, vai trò của ông Dzu trong thời điểm đó, cực kỳ quan trọng. Có thể nói là mang tính lịch sử…

 

Năm 1966 anh còn mài đũng quần ở trung học, sau này biết được tiểu sử “43” qua các sĩ quan đàn anh. Trong cương vị Trung đoàn Phó, ông rất kín đáo, ít nói, và không bao giờ kể chuyện về mình. Tuy nhiên, đơn vị ai cũng dành cho đại niên trưởng “43” một sự kính trọng đặc biệt, kể cả ông “44”. Điều duy nhất anh biết là “43” rất nghệ sĩ, trong thời gian đó, ông cặp bồ với một ca sĩ nổi tiếng, chị KT. Ông cũng từng là cựu Quận trưởng, Quận 9, Sài Gòn, được biết đến qua tên “Cò Dzu”. Những lần đơn vị về dưỡng quân, “43” bao giờ cũng biệt đãi anh một bữa ăn tại hầm chỉ huy, hoặc ra ngoài quán gần chỗ đóng quân, có thể nói đàn anh “43” rất cưng thằng em “95” vì hợp gout nhẩy đầm, ăn chơi bạt mạng, dĩ nhiên làm sao “95” bằng “43” được. Nhưng tình nghĩa thầy trò thì quá đúng!

 

 

Căn cứ 82 nằm cô đơn, trấn giữ ngay đường tiếp liệu và chuyển quân của cộng sản, nói là dưỡng quân với Trinh sát có nghĩa là không phải vào rừng săn giặc, nhưng các toán kích vẫn chia phiên hoạt động xa căn cứ, toán nào được nghỉ, sẽ thay nhau đi phép, bộ chỉ huy đại đội đóng cùng “43”, thời gian thuận lợi đề xin đi phép. Đại đội phó Thiếu uý Tiêu Quốc Quyền, danh hiệu “59” đi trước ba ngày, và mình sẽ đi sau. Quyền rất đàng hoàng, đẹp trai, các cô thiếu nữ ở những nơi đơn vị đi qua đều nhìn anh chàng “59” với đôi mắt có đuôi và nụ cười bí ẩn, nhưng chẳng bao giờ thấy hắn tán tỉnh ai cả, không biết ở quê nhà Phan Thiết chàng có ai không? Sau năm 1975, các sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà phải trình diện học tập cải tạo (chữ cộng sản dùng, nhưng thật ra là đi tù) Theo anh em được thả ra sau năm mười năm lăn lộn sống chết trong trại tù kể lại, Thiếu uý Tiêu Quốc Quyền cùng một vài sĩ quan khác đã trốn trại. Họ cướp súng và bắn bọn cai tù, không may Quyền đã hy sinh trong trận đụng độ. Tiêu Quốc Quyền ra đi anh hùng, không hổ danh lính Trinh sát, anh đã hạ sát vài tên cai tù trước khi nằm xuống. “59” Vinh danh anh trong trái tim của những người yêu tự do. 

 

Quyền, có danh hiệu riêng là “Tố Quyên” khi “59” đi phép lên, anh gặp “43” xin vài ngày về thăm gia đình. Trung tá Nguyễn Thừa Dzu rất chịu chơi, ông nói: “Mày lâu rồi không đi phép, tao ký cho ba ngày chính thức, và cho thêm hai ngày đi trễ. Không được quá năm ngày, OK?” Mừng gần chết, nhưng anh không thể đi thêm hai ngày phép miệng được, làm như vậy mất uy tín với Tố Quyên và anh em trong đơn vị! 

 

Chẳng phải tốt lành gì, mình là người độc thân, vợ con không có, chó mèo cũng không! Ấy là chưa nói đến mấy tháng lương trong rừng, chỉ đủ sống thoải mái vài ba ngày tại thành phố, năm ngày lấy tiền đâu? Mỗi lần về phép, anh đều ở cùng ba mẹ ban ngày, nhưng đến tối sẽ biến ngay. Vũ trường và những cô vũ nữ đã quen mặt, may mắn sẽ có cô bằng lòng về khách sạn qua đêm. Chẳng yêu thương, tình tứ gì cả, một con thú hoang thiếu giống cái và một nàng vũ nữ cần chút hơi đàn ông. Hôm nào không có ai, thì về nhà với ba mẹ, ngủ say như chết đến tận chiều hôm sau. Sống bạt mạng, vì ngày mai vào rừng không biết còn ngày về chăng? 

 

Chiến tranh, những chiếc trực thăng ném mình xuống một vùng xa lạ, rồi từ đó đi theo mục tiêu tìm đường về. Có lúc nhét nhau dưới lòng những chiếc tầu của Giang đoàn 24 hay 30 Xung phong, Hải Quân, lội nước ngập ngang ngực vào chiến khu địch. Chẳng có ngày nào êm ả. Trung tá Dzu biết điều đó, ông đã từng trải qua cả chục năm trước, và thương lính vì thế! Trước đây, có lần đơn vị đóng quân tại Lai Khê, lúc đó anh còn là Trung đội trưởng Viễn thám, và Đại đội trưởng là Đại uý Nguyễn Văn Minh “95”, khoá 18 Thủ Đức, nổi hứng dùng xe Jeep chở vài sĩ quan dưới quyền về đại náo khu xóm điếm có tên không hay chút nào “Ngã ba chú ía”, ngay gần bệnh viện Cộng hoà cũ. Đại đội phó Trung uý Đặng Văn Tuấn “59” khoá 24 Thủ Đức, ở nhà giữ chùa! Chương trình khá đơn giản, chơi điếm, xong về nhậu tại Bến Cát, vài ngày sau thằng nào mắc bệnh là biết ngay. Tin vui là được khai bệnh ở nhà, tin không ai thích là gập Bác sĩ Võ Tấn Tài, Tiểu đoàn 5 Quân Y, Bộ Chỉ huy Sư đoàn 5 tại Lai Khê, anh Tài làm việc dưới quyền Bác sĩ Nguyễn Nam Hùng, Y sĩ Trưởng Bệnh xá Quân y SĐ 5. Quan đốc Tài dùi cho một mũi trụ sinh tê cả một bên chân, bước đi không nổi, và bắt uống một lô thuốc trước mặt. Nghề chơi cũng lắm công phu! 

 

Chiếc xe Jeep chạy với tốc độ nhanh nhất, trên con đường bụi đỏ mờ mịt, về đến Sài Gòn đã quá trưa. Hạ sĩ Huỳnh Thí Lâm, tài xế, và anh bước vào nhà cả ba mẹ không còn nhìn ra, một lớp bụi phủ kín từ nón sắt xuống đôi giầy nhà binh. Quân cảnh ở cầu Bình lợi trông thấy không buồn hỏi giấy, phất tay cho qua. Chương trình đi phép lần này cũng như mọi lần, xe Jeep gửi bên sân nhà biệt thự đối diện, cửa khoá an toàn. Lâm sẽ đón xe về nhà người quen ở Sài Gòn, súng đạn đem cất trong nhà ba mẹ, hai đứa tắm tẩy trần. Định mệnh như đã sắp đặt, hôm đó điện thoại tại nhà bị hư, ba nói với anh lên sở chị Mai, và nhờ cho nhân viên đến sửa. Ông cụ đã nói thì đâu dám cãi, với lại giờ đó còn sớm, chẳng vũ trường nào lại mở cửa vào lúc này. Mình cũng nên đến thăm bà chị cho phải đạo! Huỳnh Thí Lâm từng có nhiều năm xông pha trận địa, bị thương vài lần, trước khi trở thành hiệu thính viên (mang máy truyền tin) cho anh khi còn làm Trung đội trưởng Viễn thám. Đại đội Trinh sát có ba trung đội gồm một Viễn thám và hai Trinh sát, cấp số Viễn thám có bốn sĩ quan, một Trung đội trưởng và ba Trưởng toán, thông thường người chỉ huy Viễn thám phải là một sĩ quan nhiều kinh nghiệm, lâu năm và cũng là Đại đội phó. Dĩ nhiên là Lâm lớn tuổi hơn anh, nhưng quân ngũ cấp bậc là quan trọng, và Lâm thường gọi anh là “ông thầy” rất thông dụng trong quân đội. Thầy trò sống với nhau qua bao chiến trận, vào sinh ra tử, băng rừng vượt suối, thân nhau còn hơn anh em một nhà. 

 

Mùa hè đỏ lửa (1972), tại mặt trận An Lộc, Đại uý Đặng Văn Tuấn (Tuấn râu) Đại đội trưởng Trinh sát ra nắm Tiểu đoàn phó, và anh lên Đại đội trưởng. Nói cho oai, thật ra Trinh sát lúc đó thiệt hại rất nặng, chết và bị thương tại An Lộc hai phần ba quân tác chiến. Hai sĩ quan hy sinh, Chuẩn uý Tân và Đệ, Trưởng toán Viễn thám, Thiếu uý Phạm Quốc Anh, Trung đội trưởng Trinh sát, bị bắt làm tù binh, quân số khi anh nhận Đại đội có lẽ trên dưới 30 người, bao gồm cả thương binh, và anh là một trong số đó. Cũng may, khoảng tháng 6/72, đơn vị nhận lính bổ sung được trực thăng đưa vào An Lộc. Sau 100 ngày tử thủ, đơn vị trực thăng vận ra khỏi An Lộc, về hậu cứ Phú Giáo, và Lâm trở thành tài xế lái xe Jeep cho đại đội. Cậu ta xứng đáng được nghỉ ngơi. 

 

Chiếc xe Jeep M151 – A2 quân đội, bám đầy bụi đỏ được Lâm tắm rửa sạch sẽ, can xăng dự trữ 20 lít do “43” cho đã phải dùng đến. Loại Jeep lùn này uống xăng kinh khủng, có nghĩa là từ nay trở đi một phần ngân sách ăn chơi của anh trong ba ngày sẽ dùng để đổ xăng. Cả hai đã thay bộ quần áo trận mới, chỉ còn đôi giầy nhà binh vẫn còn xác xơ bụi đỏ, chẳng hơi đâu mà đánh bóng. Trên đường đến chỗ làm của chị Mai, Lâm hỏi: 95 có chương trình gì tối nay không? Anh trả lời: Victoria, tên một vũ trường quen thuộc nằm trên đường Võ Di Nguy, vừa qua khỏi ngã tư Phú Nhuận và Bệnh viện Cơ Đốc. Anh quen hầu hết các cô vũ nữ tại Victoria, quen cả những cô ca sĩ nổi danh. Chị Tài pán (người chỉ huy nhóm vũ nữ) cũng quen mặt và biết ý anh thích cô nào, để gọi cho ngồi cùng bàn. Tâm trạng lính về thành phố buồn vui xen lẫn, tiếng ồn ào xe cộ, dòng người hối hả, những cậu thanh niên tóc tai để dài bắt chước bọn Hippie Mỹ, lái xe Honda bạt mạng, nhìn lại mình và Lâm, hai thằng không giống ai. Nhưng cũng tự hào đôi chút với hai hoa mai đen trên cổ áo và chiếc xe Jeep nhà binh. 

 

Tuổi 24 sống giữa chiến tranh và hoà bình. Đêm nay, anh sẽ ôm một cô vũ nữ nào đó, không biết đôi chân quen nhẩy trực thăng, có còn mềm mại đưa nàng theo điệu valse không? Giầy Botte de saut bạc mầu liệu có dẫm vào chân nàng? Mình chỉ còn vài giờ, để trút bỏ đời sống rừng rú, quay về làm người thành thị. Chị Mai là Chủ sự phòng, công việc điều hành rất là bận, hai chị em đứng nói chuyện với nhau vài phút. Nhân viên, hết người này đến đưa công văn ký, người kia lại hỏi vài câu, chẳng ai để ý đến ai, tất cả như một guồng máy vận chuyển đều đặn. Làm công chức như thế sao? Có lẽ suốt đời anh không thể sống cuộc sống đơn điệu, sáng vác ô đi, tối vác về như thế này! Số phận anh là thú rừng không phải thú cưng nuôi trong nhà. Gặp bà chị thoáng qua vài phút, chị Mai rất bận với công việc, của phòng, nhân viên đi lại, người đến lĩnh hàng đứng đầy trước mỗi ô cửa, sinh hoạt như một guồng máy cứ đều đặn lăn bánh xe, không ngừng. Bà chị vừa nói chuyện vừa làm việc.  

 

Đang suy nghĩ tìm cách rút lui, tình cờ một cô nhân viên rất trẻ, khoảng tuổi hai mươi xuất hiện. Anh chưa bao giờ gặp một thiếu nữ xinh đẹp như thế! Cô bé đưa công văn để chị Mai ký, và nhanh chóng về chỗ làm! Chỉ một phút trước, không muốn ở chỗ này dù chỉ một giây, một phút sau anh đổi ý, chần chờ không chịu đi. Bà chị biết ngay, và đưa tay đẩy cậu em của nợ ra khỏi phòng. 

 

Chị giới thiệu cho em cô bé vừa rồi nhé. 

 

Thằng khỉ, mi đừng lộn xộn! Chỗ này là chỗ làm việc, đi chơi chỗ khác!

 

Biết là không xong, anh đành rút lui! Lính Trinh sát không dễ gì bỏ cuộc! Chị Mai còn lạ gì thành tích ăn chơi bạt mạng của cậu em út! Thay bồ như thay áo, nay cô này mai cô khác! Ngăn ngừa hậu hoạn trước cho chắc ăn. Anh không trách, nhưng làm sao chị biết được một rung động lạ kỳ vừa xâm chiếm hồn anh? Một tiếng sét, khiến anh choáng váng, một ngã rẽ của cuộc đời, và làm thay đổi mọi chương trình buổi tối ngày hôm đó. 

 

Rời văn phòng chị Mai, ra xe về nhà, anh rủ Lâm ở lại ăn cơm tối và ngủ đêm tại nhà ba mẹ. Buổi tối, hai đứa đón xe taxi đến quán Thu Hương trên đường Hai Bà Trưng, ngồi uống cà phê filtre pha Rhum. Lâm hỏi, anh không đi Victoria sao? Không! Anh kể cho Lâm nghe về chuyện gặp cô bé tại văn phòng bà chị, anh ta nói: Ông thầy bị cú sét ái tình rồi! Tâm sự cùng Lâm, anh cũng từng nếm mùi vài cú sét, nhưng tất cả nhanh chóng qua đi, như một tiếng nổ chỉ vừa đủ làm mình chớp mắt, và Lâm cũng biết một vài người, họ đến nhanh như chớp và ra đi cũng nhanh không kém! Đêm nay anh không đi nhẩy đầm, sau cà phê, đi mua một ít bánh ngọt về mời ba mẹ, và hai cụ còn ngạc nhiên hơn cả Lâm khi thấy anh ở nhà. Có lẽ đây là một dấu hiệu tốt thay đổi cuộc đời lãng tử? 

 

Biết đâu đó, chờ xem. Ngày hôm sau, điện thoại nhà dùng lại được, anh nhấc máy gọi chị Mai, giả vờ như người lạ, xin phép được nói chuyện với cô Lý. Chị nhận ra tiếng nói: Tuấn hả, mi đừng lộn xộn, ta mách ba bây giờ, và nhanh chóng gác máy! Anh biết tên em vì nghe chị Mai gọi. 

 

Ngày phép thứ hai, thời gian là tất cả, đến sở chắc là không xong rồi, sẽ bị tống ra ngay! Rủ Lâm đi ăn sáng, uống cà phê, sau đó hai đứa ra một điện thoại công cộng, thử thời vận lần thứ hai, anh không muốn dùng điện thoại nhà ngại các cụ nghe. Lần này chắc ăn, anh lấy khăn tay che ống nói, để bà chị không nhận ra giọng mình. Chuông reo, và tiếng bà chị xưng danh đầu giây. Anh nói dối tỉnh bơ: 

 

Thưa bà, tôi là anh ruột cô Lý, nhà có việc quan trọng xin cho gặp cô ấy ạ. 

 

Bà chị rơi vào bẫy ngay. 

 

Lý ơi, có ông anh em gọi. 

 

Bước đầu thành công. Chắc cô bé không tin là anh mình gọi, nên trả lời rất lịch sự. Dạ, thưa Lý nghe đây. 

 

Dĩ nhiên anh không thể nói tên thật của mình được, có thể cô bé đã biết, thôi thì cứ tạm dấu tên lúc này, mọi việc sẽ tính sau. 

 

Thưa cô tôi tên “Cọp”. Tiếng cười khúc khích nhẹ nhàng, dễ thương, đầu dây. 

 

Dạ, xin lỗi tôi không quen ai tên “Cọp” cả. 

 

Cô đã quen rồi. 

 

Dạ, quen hồi nào vậy? 

 

Cách đây một phút. 

 

Xin lỗi, tôi phải làm việc! Cô bé đáo để thật. Anh nghĩ, buổi điện thoại ngắn ngủi đầu tiên như thế là tốt quá rồi. 

 

Buổi tối ngày phép thứ hai cũng ở nhà, hai cụ ngạc nhiên hỏi sao con không đi chơi? Tự nhiên anh chán vũ trường, sáng nay đã để Lâm gửi xe và về thăm người thân ở Sài Gòn, vợ con Lâm ở tận miền Tây. Ngủ cho đã đời bù những ngày nằm rừng, buổi chiều ăn cơm chung với hai cụ và sau đó ra Givral mua hộp bánh ngọt cho hai cháu của chị Mai, đến thăm bà chị thì đã được âu yếm nhắc nhở ngay. Nói cho cậu Tuấn biết, Lý nó là con nhà lành, ngoan đạo, mi đừng lộn xộn! Biết ý bà chị như vậy rồi, anh chỉ cười, chơi với hai cháu Huyên và Phương. Rời nhà chị Mai trên đường Hoàng Hoa Thám, taxi chạy qua ngã tư Phú Nhuận, chỉ cần nói bác tài rẽ tay mặt trên đường Võ Di Nguy vài trăm thước là đến Victoria với ánh đèn chập chờn, tiếng kèn saxophone rên rỉ, quả cầu bằng thuỷ tinh muôn mặt trên trần xoay quanh với ánh đèn mầu. Anh sẽ trở về thế giới quen thuộc, tối nay sẽ có một cô vũ nữ nào đó trong vòng tay, biết đâu đó lại ngủ đêm nơi một khách sạn kín đáo, trên đường Hai Bà Trưng? Nhưng tất cả đã nguội lạnh, hình ảnh cô bé cứ vẩn vơ trong đầu! Quên Victoria đi, taxi đưa anh về nhà, các cụ lại vô cùng ngạc nhiên! Con “Cọp” đã no nê, nằm ngủ yên trong hạnh phúc. Ngày mai là phải trở về đơn vị, có nán lại thêm hai ngày cũng chẳng đi đến đâu. 

 

Ngày phép cuối cùng, xe phải rời Sài Gòn trễ nhất là 09:00 sáng vì lý do an ninh trên đường. Lâm đã có mặt tại nhà từ bẩy giờ, hai đứa đi ăn sáng, đổ xăng trước khi lên đường. Anh chợt có một ý nghĩ ngộ nghĩnh, chỗ làm của chị Mai rất đông khách ra vào, quay lại nhìn cô bé một lần trước khi đi. Anh nói Lâm chờ ngoài xe, đứng từ xa, anh thấy cô bé, nhớ mầu áo nàng mặc, sau đó ra xe tả hình dáng và mầu áo cho Lâm. Nói cậu ta vào tận nơi, đứng rất gần để nhìn mặt cô bé. Không ai biết Lâm, nên công việc của cậu ấy dễ dàng. 

 

Cô ta đẹp thật 95! Đó là nhận xét đầu tiên của anh chàng. Anh hỏi Lâm có nhớ mặt cô bé không? Trời ơi,người đẹp như thế làm sao quên được? Không biết anh này có nịnh không? Nhưng nghe cũng đủ vui rồi. Một địa chỉ nữa cần phải ghé, đó là quầy bán hoa trên đường Nguyễn Huệ, số tiền ba bốn tháng lương chưa dùng hết, sau khi đã mua quà cho ba mẹ và con chị Mai, anh đặt trước tiệm hoa một tháng, mỗi ngày đem một bó hoa đến tận sở tặng cô Lý, với tên “Cọp”. Tháng sau sẽ có người đến trả tiền tiếp, đơn vị luôn có xe đi công tác Sài Gòn mỗi tuần, chưa kể sĩ quan Trinh sát đi phép, đều có thể nhờ lo vụ này. Với lại mình cũng phải để chị Mai quên đi, bà ấy mà biết được là mọi chuyện hỏng hết, sẽ là duyên số không cho gặp nhau. Anh cũng cần thời gian để thử thách mình. Một tình yêu chân thật, hay chỉ một thoáng qua? Xa cách cũng là thước đo tình cảm con người, trong thời gian đó, nếu một bóng hồng nào vào thay thế em, đúng là số trời không cho chúng ta bên nhau. Hãy để cho số phận quyết định.

 

 

Theo lời dặn, cửa hàng Liên Hoa sẽ bắt đầu mang lại tặng em sau khi anh rời Sài Gòn. Anh không hề gọi điện thoại thăm em trong thời gian đó, vì đi hành quân lấy đâu ra điện thoại! Lúc nào về hậu cứ, anh gọi kiosque Liên Hoa xem họ có gửi đều không? Con đường Nguyễn Huệ trước năm 1975 với hai bên đường là những tiệm bán hoa, và phim ảnh, giờ đây không còn nữa. Một trời kỷ niệm, Thương xá Tax hơn 100 năm tuổi đã bị cộng sản phá! Nguyên khu phố Nguyễn Huệ từ Toà Đô Chính Sài Gòn chạy ra bờ sông nay đã thành phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh đầu tiên bên dưới, tay trái, kiosque Liên Hoa, nơi anh đặt mua hoa cho em. Hình bên phải là Thương xá Tax, cách nhau một con đường nhỏ dành cho xe hai bánh, cũng trên đường Nguyễn Huệ là dẫy kiosque bán hoa, phim ảnh, đĩa hát âm nhạc.

 


Anh đã không gọi em khá lâu, vì phải đi hành quân. Không nhớ rõ đã hơn 47 năm trôi qua, có lẽ anh đã nhờ một sĩ quan của đại đội, đi phép về trả tiền hoa cho tháng thứ hai? Không nhớ tên tiệm bán hoa, nhưng nhớ rất rõ vị trí nằm ngay đầu đường Nguyễn Huệ, từ Thương xá Tax, bước qua. Cám ơn Nhạc Xưa VN đã cho người viết một mảnh ký ức trọn vẹn: Kiosque mang tên Liên Hoa. Cám ơn Hải Saigon đã gửi hình sưu tầm từ Úc Châu.

 

 

Khoảng hơn một tháng sau khi gặp em, đơn vị về hậu cứ Phú Giáo để ứng trực, sẵn sàng lên đường trong 30 phút là chậm nhất. Ngoại trừ quân nhân có nhiệm vụ, được xuất trại, toàn đại đội ba lô sẵn sàng, lính tắm rửa, giặt giũ, ngồi đánh bài ở câu lạc bộ. Đại đội trưởng và Phó thường xuyên bị kêu đi họp tại Trung tâm Hành quân với Trung tá Đỗ Đình Vượng “44”, khoá 10 Võ bị Đà Lạt, Trung tá Nguyễn Thừa Dzu “43” và các sĩ quan ban 3 (Hành quân) ban 2 (Tình báo). Nếu có lệnh lên đường, Thường vụ Đại đội Trung sĩ Bộ, sẽ nhanh chóng đánh kẻng tập họp. Hình trên, bên trái: Trung sĩ Sơn, Hiệu thính viên toán Viễn thám đang đọc truyện, ngồi bên cạnh là Hạ sĩ Công, Viễn thám, có lẽ đang viết tên ai đó trên nón sắt? Bên phải hình ảnh một ngày ứng chiến, ngồi chờ gần bãi đáp trực thăng. Thường trong những lúc ứng chiến này, ông “44” hay sử dụng Trinh sát trong những cuộc hành quân “Diều hâu”. Đơn vị trang bị nhẹ, súng đạn là chính, trực thăng sẽ bốc đi trong ngày, thả xuống một hoặc hai ba mục tiêu để lục soát. Có khi đi cùng toán an ninh quân đội và một tù binh cộng sản dẫn vào mật khu tìm kho vũ khí. Hoặc đổ quân xuống một cánh rừng nào đó, giải cứu phi công bị bắn rơi. Điều anh yên tâm nhất là các anh em dưới quyền rất thản nhiên, bình tĩnh, họ xem như công việc bình thường, chẳng có gì phải lo lắng, anh học rất nhiều ở họ, hơn là họ học nơi anh.

 

Trực ứng chiến lần này không phải đi đâu! Gần một tuần phơi ba lô ngoài nắng, lau chùi đến mòn cả súng. Tụi anh ghét màn trực này nhất, nó gò bó, mình không còn làm chủ được giờ giấc, nhưng nhà binh đâu được phép chọn lựa? Ngay cả mạng sống mình cũng ngoài tầm tay. Anh vào văn phòng gọi điện thoại về em, dĩ nhiên không quên lấy khăn tay che ống nói, và bà chị lại mắc mưu lần nữa. Giọng em nhẹ nhàng đầu giây:

 

Dạ tôi nghe đây ạ. 

 

Chào em, anh là “Cọp.”

 

 Trời ơi anh hả? 

 

Cô nàng đã quen tên với những bó hoa hồng mỗi ngày. Giọng nói thân thiện hơn rất nhiều. 

 

Anh ở đâu vậy? 

 

Xa lắm! 

 

Xa là ở đâu? 

 

Dĩ nhiên anh phải nói dối em, vì nói thật thể nào chị Mai cũng biết. 

 

Phước Long.

 

Anh làm gì trên đó vậy? 

 

Phóng viên chiến trường! 

 

Lại nói dối! Cho đến lúc này, cô bé vẫn chưa thật sự biết mình là ai. Chắc cũng chẳng đoán ra được anh là em chị Mai? Tội nghiệp em quá, sẽ có một ngày em biết thôi, nhưng chưa phải lúc. Thời gian trôi qua, mức độ hành quân tăng lên. Điều duy nhất giữ mối giây liên lạc giữa chúng mình với nhau là những bó hoa hồng vẫn tiếp tục đến chỗ em làm mỗi ngày. Một cuộc tình khá lãng mạn. Muốn thăm em đâu phải dễ, còn bà chị kỳ đà cản mũi. 

 

Tháng thứ ba xa nhau, em vẫn chưa biết anh chàng “Cọp” này là ai, nhưng mọi người tại văn phòng đều biết là em có một cây “si” gốc đại thụ, và cô bé tuổi 19 hầu như ngày nào đi làm cũng nhận được một bó hoa. Anh cũng nhớ em quắt quay. Chuyện phải đến, sẽ đến. Một lần anh xin về phép 48 tiếng, Trung tá Vượng “44” OK. Đơn vị đóng ở Chơn Thành, cũng không mấy xa Sài Gòn, khoảng ba giờ xe Jeep, đường tương đối an ninh, Lâm và anh về đến nhà khoảng 12:00 trưa. Ba mẹ nhắc đến thăm chị Mai vì mấy hôm nay chị ấy đau không đi làm. Xin bà chị tha lỗi, em mừng gần chết, nhờ chị vắng mặt em mới dám đến sở gập cô bé. Sau đó sẽ thăm chị, và mua quà cho hai cháu. Chẳng cần tắm rửa thay quần áo, vẫn bộ đồ trận bụi bám đầy, nón sắt, dây ba chạc đeo súng, anh dục Lâm đi ngay. 

 

Đi đâu vậy “95”? Lâm hỏi. 

 

Lên chỗ cô bé làm, anh trả lời. Nhưng cẩn thận, trước khi rời nhà, gọi điện thoại cho chị Mai báo sẽ đến thăm. Thật ra, muốn biết chắc bà chị ở nhà, chứ ở Việt Nam ngày xưa đâu có vụ gọi điện thoại hẹn đến thăm! Mọi việc đúng là ý Chúa sắp đặt, thú thật trên đường về nhà, anh vẫn nghĩ mãi không biết cách nào đến thăm em? Bây giờ thì yên tâm quá đi rồi. Cô bé vẫn ngồi cắm cúi ghi sổ sách, trả lời khách hàng. Mọi người chờ đến phiên mình, sau khoảng một hai người, đến lượt anh. Đứng cách em một quầy ngăn, em ngước lên bình thản hỏi anh. 

 

Thưa ông, xin cho tôi xem giấy lĩnh hàng. 

 

Tôi không có, cô ạ! 

 

Em nhìn lại với vẻ ngạc nhiên! Chưa biết phải nói gì, thì anh tự giới thiệu. Anh là “Cọp” Đôi mắt em mở to với tất cả ngạc nhiên. Một tay em chận lên ngực. Anh không biết em nghĩ gì lúc đó? Nhưng nhanh chóng nói: 

 

Anh có thể chờ em trước cửa được không?

 

Dạ. 

 

Lúc đó cũng gần giờ tan sở, anh ra ngoài xe ngồi cùng Lâm, cho cậu ta biết, khi em ra làm ơn nhẩy xuống ghế sau ngồi, để anh lái. Chỉ mười lăm phút sau em ra, và thấy anh ngồi trên chiếc xe Jeep cũng bụi đời không kém. Anh mời em đi uống nước, em trả lời không được vì về trễ ba mẹ la. Sau vài câu chuyện, anh dậy em nói dối là phải ở lại làm thêm vì hàng về nhiều. Tình yêu, có những nói dối có thể tha thứ được em ạ. Có lẽ cả mấy tháng hoa hồng cũng làm say lòng em? Cần tìm hiểu thêm tên lính bụi đời này. Thôi thì nói dối ba mẹ một chút, Chúa cũng thông cảm! Thế là cô bé bước lên xe! Chúng ta vào Continental với sân vườn đằng sau cho mát mẻ. Nước uống chưa đem ra, em đã tra khảo anh. Chỉ vào bảng tên nhà binh may trên áo, em nói: Tên anh đâu phải “Cọp”? Anh đành chữa thẹn, “Cọp” là tên anh em ở đơn vị gọi và anh thích tên đó. Trên vai áo anh có phù hiệu Trinh sát, em lại hỏi, anh đâu phải phóng viên chiến trường? Ra quân lần đầu đã bị hạ 2-0! Anh đành xưng tội, sợ rằng biết mình là lính tác chiến, em không quen. Em nói Có sao đâu! Câu cứu bồ đúng lúc. Ngay lúc đó, anh tự hứa sẽ rất thành thật với em, nhưng có một điều chắc chưa thể thành thật là cho biết mình là em chị Mai! 

 

48 giờ phép trôi quá nhanh! Dự tính mời em đi ăn một bữa nhưng không thể thu xếp được. Sáng mai anh lại lên đường. Chiến sự đang trở nên khốc liệt, không thể vô trách nhiệm với đơn vị. Ông “44” rất nghiêm khắc, không khoái cấp dưới dỡn mặt. Trung tá Đỗ Đình Vượng từ Thuỷ Quân Lục Chiến chuyển qua, đánh giặc bình tĩnh như ngồi xoa mạt chược. 

 

Sáng hôm sau, trước khi rời Sài Gòn anh ghé ngang quầy bán hoa ở đường Nguyễn Huệ, trả thêm tiền cho tháng tới, và không quên mua một bó hoa, giao cho Lâm mang đến sở tặng em. Không ai biết mặt Lâm, ngoại trừ em, nhưng từ nay mọi người đoán anh chàng “Cọp” có thể là một sĩ quan cao cấp trong quân đội? Trung uý, tuổi 24 thì cao ở chỗ nào? Nhưng em là người thiếu nữ đầu tiên trong cuộc đời anh tặng hoa. Lâm trở ra xe khuôn mặt thật vui, “95” biết không, chị ấy nhận ra em ngay, và hỏi thăm anh “Cọp” đâu, em nói anh ngồi ngoài xe, chị ấy sẽ ra thăm anh ngay bây giờ. Em đã gặp anh, có vẻ trách móc, tại sao anh không vào? Nhưng em nào có biết, bà chủ sự phòng, hôm nay đã đi làm lại! Cuộc tình chúng ta còn mong manh lắm, em ạ! Thời gian sẽ cho em biết nhiều hơn. 

 

Cám ơn em đã cho anh những giây phút thần tiên ngắn ngủi ngồi uống nước bên nhau tại Continental! Cám ơn em đã thay đổi cuộc đời anh như một phép lạ. Hãy trả anh về với đồng đội, và nếu Thượng Đế thật sự gắn bó chúng ta bên nhau, Ngài sẽ để anh trở về bình an trong chinh chiến. 

 

Chẳng may, Ngài mang anh đi, hãy nhớ mãi một cuộc tình đẹp, và anh sẽ mãi bên em với những nhánh hoa hồng. 




No comments:

Post a Comment