CHIẾN TRANH, THÂN PHẬN & TÌNH YÊU
Mahatma Gandhi.
Vật đổi, sao dời, vũ trụ không bao giờ ngừng thay đổi, thế giới hôm nay khác xa hôm qua rất nhiều, đừng nói đến một tuần, tháng, hay năm trước! Ai đã từng sống tại Việt Nam trên dưới 30 năm, phần còn lại của đời người lang thang phiêu bạt, tạm dung nơi đất khách quê người, chắc sẽ cảm nhận cái định luật thiên nhiên này.
Giữ gìn văn hoá Phương đông, bảo tồn truyền thống Việt Nam chưa hẳn đã là đúng! Hội nhập, nhanh chóng biến mình thành người bản xứ nơi quốc gia tỵ nạn, cũng không có nghĩa là hay. Bạn có đổi tên thành gì đi nữa, nhưng làm sao đổi được mầu da, huyết thống? Cần ít nhất vài ba thế hệ, lập gia đình với người khác chủng tộc, pha trộn giòng giống. Một hành trình viễn du diệu kỳ, tạo ra thế giới muôn mầu, muôn sắc “All Lives Matter.”
Công dân của thế kỷ 21, cần một tâm hồn và trái tim mở rộng trước cơ hội Thượng Đế ban cho. Ngài đã mang chúng ta ra khỏi lũy tre làng, dù bạn còn ở lại Việt Nam, chưa bao giờ đặt chân ra nước ngoài, nhưng điện thoại, Internet, e-Mail và hằng trăm thông tin trên mạng xã hội, cũng đã đưa bạn đến phương trời tưởng như không bao giờ đến. Gặp những người trong mơ, thánh nhân, ma quỷ lẫn lộn. Nhiều khi ma quỷ đội lốt thầy tu, khiến nhiều người cúi lạy gẫy lưng, khi nhận ra thì đã thân tàn ma dại. Bài trắc nghiệm Thượng Đế đo lường trí thông minh của con người, chúng ta là những thí sinh, phải vượt qua cuộc thi này.
Ra khỏi lòng mẹ khởi đầu cho một hành trình viễn du. Cha mẹ tập cho chúng ta những bước đi chập chững, khuyến khích từng tay vịn nương tựa, vui mừng khi chúng ta dùng chiếc xe tập đi, quay ngang ngửa vô phương hướng. Rồi những bước chân chậm chững, đi lên chạy nhẩy. Những câu hỏi vu vơ đáng yêu, cửa trường rộng mở, hành trình xa cha mẹ bắt đầu, từ vài tiếng mỗi ngày, thời gian tăng lên. Tiểu học, trung học, đại học mỗi nơi đẩy chúng ta đi xa hơn một chút khỏi vòng tay người thân sinh. Cho đến một ngày nào đó, tay trong tay thiếu nữ xinh đẹp, một chàng trai hào hùng và cả hai cùng nhau bước vào cuộc viễn du mới.
Hạnh phúc, đau thương, pha trộn cùng biển nước mắt. Sống là trải nghiệm, nếm mùi vị chua cay cuộc đời, như những nhánh cây mong manh mọc lên từ lòng đất, cây càng lớn, giông bão càng to. Những đứa trẻ năm xưa, trở thành người chống đỡ con thuyền trên giòng sông bất tận cuộc đời. Gió có lúc yên, sông có khi lặng, nhưng đừng vội mừng, vì chẳng ai biết trước được điều gì sẽ xẩy ra? Ánh sáng và bóng tối đến rồi đi theo thời gian.
Cánh hồng đẹp bao giờ cũng tiềm ẩn cành gai. Hành trình viễn du không phải lúc nào cũng êm ả mộng mơ, thế giới không riêng gì của người thiện tâm, chúng ta phải sống chung với ma quỷ. Kẻ yếu bóng vía nhanh chóng bị ăn tươi, nuốt sống, và người vững tâm sẽ bình yên như cổ thụ sau cơn bão.
Cuộc sống phong phú không đến từ nhung lụa hay bất biến! Lấy đâu ra một ngày nắng đẹp, hoa nở đầy vườn, ngào ngạt hương thơm suốt 365 ngày một năm? Không biết trên Thiên đàng như thế nào, vì chưa ai ra đi quay về kể lại. Nhưng nơi trần gian đều có đủ phong ba bão táp, và mỗi chúng ta sinh ra được ơn trên ban cho trí thông minh và khả năng sinh tồn. Triết gia người Đức Friedrich Nietzche từng nói: “Bạn cần sự hỗn loạn nơi bản thân để sinh ra một ngôi sao lấp lánh.” [You must have chaos within you to give birth to a dancing star.]
Đừng sợ phong ba bão táp! Ngày chúng ta quen nhau, đã là một khởi đầu đi vào vùng trời vô định! Thế giới này cần đến để quét sạch đi những dơ bẩn nhớp nhúa của trần gian. Sau cơn địa chấn là tan hoang đổ vỡ, để rồi năm mười năm sau một thảo nguyên xinh đẹp mọc lên. Cuộc sống của những người “du mục” có lẽ là thần tiên nhất? Đồng cỏ mênh mông, những chiếc lều đơn sơ vừa đủ che bão, có ai đi ngủ đòi phải có một chiếc giường thênh thang đâu, vì cuối cùng khi nằm xuống chiếc quan tài chỉ bé nhỏ vừa đủ bao bọc xác thân. Có ai chết, mang theo tất cả gia tài tiền bạc? Chúng ta đến và đi đều trắng tay. Steve Jobs trở thành quá khứ, John F. Kennedy nằm xuống chỉ còn lại một ngọn lửa mong manh trước gió trên ngôi mộ, chẳng còn gì cả, thời gian là thuốc tẩy xoá tốt nhất. Thiên tài hay tội phạm, cuối cùng cũng chỉ là những dòng chữ trong sử sách, người được ngưỡng mộ chiếm vài chục ngàn trang, đầy một thư viện. Kẻ bị khinh chê cũng vài hàng trên trang giấy bị bỏ quên. Hồ chui vào lăng để ngàn đời sau nguyền rủa! Người nằm xuống chẳng buồn nghe điếu văn, gia đình con cái, bạn bè gửi cho vài giọt nước mắt, sau đó mọi người quay về cuộc sống, một ngày như mọi ngày. Nhân loại vẫn sống, vẫn yêu, vẫn quay cuồng theo nhịp xoay của vũ trụ.
Tiếc thay, chúng ta đã trở thành lũ “nô lệ” tình nguyện của nền văn minh khoa học kỹ thuật! Sống không thể thiếu chiếc xe di chuyển, khi chính tổ tiên mình trăm năm trước còn đi bộ trên đôi chân trần. Một ngày không có Internet để đọc mail hay liên lạc với bạn bè, đâm ra cau có, bực bội. Đời sống quả thật có thăng hoa, con người sống thọ hơn nhờ y khoa kỹ thuật ... Hãy giữ những điều tốt đẹp tạo ra đó. Loại bỏ đi những cái xấu, và bình an trong tâm hồn chuẩn bị cho hành trình sắp đến. Ngày mai chắc chắn không thể giống hôm nay, mong muốn tương lai như hiện tại, khác nào chúng ta sống dựa vào quá khứ!
Thấm thoát vợ chồng đã có 47 năm gắn bó cùng nhau. Thời gian chưa hẳn là dài, nhưng cũng vừa đủ để hai đứa nhìn lại hành trình đi qua. Ngày mới quen, con đường đôi tình nhân đi vào cuộc chiến, như trăm ngàn người vợ lính Việt Nam Cộng Hoà, em đã đi theo tiểu đội ra nhận lương thực, băng rừng lội suối vào thăm anh, khác một chút là chúng ta chưa lấy nhau, nguy hiểm hơn nữa cô người yêu của lính có thể bất ngờ ra đi ở tuổi 18 nếu chẳng may tiểu đội bị tấn công. Tình yêu đã giúp em vượt qua sợ hãi. Tuổi trẻ khiến em liều lĩnh đùa vui với tử thần. Thánh Mahatma Gandhi, của Ấn Độ, người khai sinh ra phương pháp tranh đấu bất bạo động, chẳng từng nói: "Ở đâu có tình yêu, ở đó có sự sống” [Where there is love there is life.] Đáng quý thay những thiếu nữ tuổi đôi mươi, người yêu và vợ lính VNCH. Băng mình, lội suối, gian nan tìm đến một tình yêu phải trả giá bằng sự chết! Vinh quang không hẳn chỉ riêng cho người chiến binh nơi sa trường, xin dành những huy chương cao quý nhất cho người vợ lính, âm thầm chiến đấu sau năm 1975 ngay cả khi chồng ngã ngựa!
Có mặt ở sân bay Phú Giáo nhìn đoàn trực thăng bốc quân đưa đơn vị anh vào chiến trường, không biết em nghĩ gì khi máy bay cất cánh, anh vẫy em, ra dấu một nụ hôn, Chúa Phật ơi, có bao giờ đó là nụ hôn cuối cùng? Có những ngày hành quân cùng thiết giáp, anh ngồi trên xe với sĩ quan chỉ huy, cần antenna ngất ngưởng như mời gọi địch quân, mục tiêu chính của B 40. Khi súng nổ, Trung uý Nguyễn Hữu Thống, Chi đội trưởng Thiết vận xa M 113, ra lệnh xe chỉ huy tiến lên như điên cuồng, cày nát mục tiêu, Trinh sát 7 từ những con cua sắt giận dữ, cuồng nộ, nhẩy xuống thanh toán địch. Giây phút đó, chẳng còn ai để ý đến sống hay chết, trời gọi ai người ấy đi, qua bão lửa mới biết mình còn sống! Anh Thống thuộc khoá đàn anh, uống rượu không bao giờ say, trong xe M 113 còn nửa chai rượu để dành cho kẻ sống sót, và ngậm ngùi khóc thương cho đồng đội ra đi. Nghe nói, anh Thống đã hy sinh trong ngục tù cộng sản, anh lên Đại uý trước ngày mất nước, cánh chim Đại bàng cũng đến ngày về quê yên nghỉ, Nguyễn Hữu Thống, Thiết đoàn 1 Kỵ binh, một thiên anh hùng ca của những thế hệ mai sau.
Hình minh hoạ, Hành quân cùng Thiết vận xa M113 | Photo credit: Terry B. Carlson.
Đêm tân hôn ở căn cứ An Điền vào ngày đầu xuân 1975, cô dâu mặc áo giáp co ro trong căn hầm phủ bao cát, và chú rể văng tục, chửi thề cùng chiến hữu chiến đấu chống lại lính Bắc quân, đám khách không mời. Vùng trời được soi sáng bằng hoả châu, thâu đêm suốt sáng. Đại bác từ căn cứ Lai Khê, Phú Giáo bắn yểm trợ, thay pháo mừng ngày tân hôn! Sáng mùng hai Tết Âm lịch 1975 xe đưa em về thành phố đi qua những xác chết của Bắc quân nằm la liệt ngoài hàng rào. Chỉ vài giờ sau khi em rời căn cứ, đại đội Trinh sát 7 lên đường truy kích, những toán viễn thám nhanh chóng được trực thăng đưa vào vùng chiến địa. Thế giới có ai lên án bọn Bắc quân vi phạm thoả hiệp ngưng chiến trong ba ngày xuân? Không hề, bọn chúng đã mặc cả, ngã giá tại Bắc Kinh, Hoa Thịnh Đốn, hay Paris. Lính tráng bọn anh chỉ là những con cờ trên ván bài cuối, thân phận tội nghiệp khốn nạn.
Xác chết Bắc quân nằm phơi mình trên hàng rào kẽm gai, bãi mìn phòng thủ. Cuối cùng chỉ là con tốt sang sông, họ vĩnh viễn rời xa gia đình, không thân nhân nào biết! Hỡi anh bộ đội “sinh Bắc, tử Nam” xác các anh đã được kéo vào một huyệt mộ chung, phủ đầy bột khử trùng DDT trắng xoá, thay nén hương trầm, đường vào Nam không như bác và đảng lừa bịp! Không ai ra đường đón các anh ngày xuân, tội nghiệp cho những thân thể nát bét! Những kẻ quấy phá bình yên, đã được an nghỉ trong yên bình. Tiên sư bác và đảng, xua các anh vào đây để lính tráng chúng tôi phải đi chôn!
Chúng ta hứa với nhau trước bàn thờ Thiên Chúa, hứa với Linh mục Chủ tế, với cha mẹ, họ hàng hai bên, sẽ ở cùng nhau trong lúc vui cũng như buồn, giây phút sung sướng cũng như hoạn nạn. Hứa thì quá dễ, nhưng giữ được lại là chuyện gian nan!
Cơn bão khốn nạn nhất của lịch sử dân tộc đổ vào miền Nam yêu thương của chúng ta, chỉ vài tháng sau ngày em làm vợ. Ma quỷ Bắc quân tiến vào Sài Gòn và toàn miền Nam tràn ngập bầy khỉ hoang vào thành phố! Người hiền lương bị đẩy lên rừng núi, nhà chúng ta khỉ ở, vợ chúng ta khỉ lăm le hiếp, con chúng ta khỉ đầy đọa trăm chiều. Và những người chiến binh hào hùng VNCH phải buông súng trước bàn cờ chính trị thế giới, nhanh chóng trở thành tù nhân. “Người và khỉ” một trường thiên tiểu thuyết bắt đầu, lịch sử Việt Nam đi vào những trang u tối nhất, người dân bị tẩy não đến độ cha mẹ qua đời không được khóc, nước mắt để dành cho Staline. Em bé sinh ra không được dậy hai tiếng Việt Nam, thay vào đó gọi Hồ, Mao, Staline. Đảng đứng trên non sông tổ quốc, chống đảng là chống quê hương, những nghịch lý khốn nạn nay trở thành thuận nhĩ. Tai nghe quen hằng ngày, tuyên truyền ngu xuẩn, gian xảo trở thành chân lý! Làm quái gì có cái đảng muôn năm, chỉ có dân tộc trường tồn, hãy tỉnh thức anh chị em Việt Nam yêu thương.
Nơi ngục tù cộng sản, anh đắng cay ngậm miệng, và hằng đêm nhớ lại lời văn của Friedrich Nietzche, giữ vững tinh thần trong bão táp. Cộng sản là chất độc, phá huỷ nhân tính con người, lôi chúng ta từ giáo đường, chùa chiền, trường học và ném tất cả vào trại súc vật. Chúng dựng lên một xác chết, tên dâm ô đồi trụy, kẻ sát nhân bán nước mang tên Hồ, và bầy khỉ bắt những tù nhân của trại súc vật phải tôn thờ! “Ma giáo” ra đời, anh không nghĩ bọn cộng sản cai trị Việt Nam hôm nay còn tin vào cái chủ nghĩa bị cả nhân loại vất đi. Chúng không tin, nên đã gửi con cái qua Hoa Kỳ, mua sẵn quốc tịch Mỹ, Canada hoặc Úc. Chúng không tin nên mới tôn thờ triết lý: “hy sinh đời bố, củng cố đời con” Tham nhũng ngập họng, vơ vét tận cùng. Khỉ lột xác trở thành người! Ở trong chăn, chúng biết thừa chăn có rận! Nhưng tại sao lại không dùng những độc chất đó để cai trị người dân? Nói dễ hiểu hơn, bạn có bao giờ vào nơi chốn những thầy bói, phù thuỷ, thầy pháp, ma vương? Nhớ xem bọn này ăn mặc, nói năng, thắp nhang, làm bùa phép ra sao? Chúng kiếm tiền bằng những trò ma đạo! Cộng sản Việt Nam hôm nay cũng thế, Black Lives Matter bắt chước chúng y hệt, George Floyd thành tích trộm cướp được nạm vàng có khác gì tên ấu dâm Hồ? Bài học mà Thượng Đế ban cho chúng ta, Ngài để ma quỷ vây hãm người hiền lương, khỉ cai trị người ... Như Friedrich Nietzche tiên đoán: “Nọc độc sẽ giết chết yếu đuối, làm mạnh hơn những ai cầm cự được.” [The poison which destroys the weaker nature strengthens the stronger.] Chẳng lẽ trần gian này khắc nghiệt đến độ những ai yếu đuối sẽ bị nọc độc sát hại, chỉ những kẻ qua được mới đáng sống sao? Friedrich Nietzche đúng là nhà “tiên tri” của thế kỷ?
Ngọn lửa hung tàn của chủ nghĩa cộng sản đã thiêu đốt Việt Nam sau năm 1975. Khỉ trong rừng bắt đầu rụng đuôi, đi những bước chân người. Chúng ngồi xe hơi bắt người làm tài xế, vào những tiệm ăn sang trọng học làm sang, nhe hàm răng cáu bẩn ăn miếng thịt bò dát vàng tại London. Như câu ngạn ngữ Hoa Kỳ, “Bạn có thể mang khỉ ra khỏi rừng, nhưng không thể mang rừng ra khỏi khỉ” [You can take the monkey out of the jungle, but you can’t take the jungle out of the monkey.] Tốn vài triệu năm để khỉ tiến hoá thành người, nhưng chỉ cần vài chục năm để bắt con người sống theo khỉ, ma quỷ chính là đây. Sự thông minh của con người, đặt không đúng chỗ sẽ biến chúng ta thành súc vật! Cha mẹ, bạn bè, anh chị em còn ở lại Việt Nam, hãy can đảm và mạnh mẽ chống lại nọc độc cộng sản, đừng để chúng tiêu huỷ, chính các bạn phải thiêu rụi chúng. Lửa sẽ cháy đốt cho sạch nọc độc cộng sản, đốt chúng thành tro làm phân bón cho hoa đồng, cỏ nội, Việt Nam mai sau. Người Do Thái lưu lạc 2,000 năm trước khi trở về quê hương, chúng ta mới mất nước chưa được 100 năm, sẽ không đến nỗi phải chờ lâu.
Vất bọn khỉ qua một bên, thả chúng về rừng, chúng ta và các con không thể đeo hành trang quá nặng đi tiếp hành trình còn lại!
QUỸ THỜI GIAN
Câu chuyện bắt đầu bằng cậu cháu đích tôn lên sáu, Atticus Nguyễn, một kết tinh tuyệt vời của giòng máu Việt và cô thiếu nữ Mỹ, thân phụ sinh trong gia đình pha trộn giữa hai huyết thống English và Belgium, thân mẫu gốc Đức, kết hợp Scotland. Atticus và bố mẹ ở tại thành phố cách xa ông bà nội sáu giờ đồng hồ bay, một năm về thăm ông bà hai tuần, cứ thế đều đặn ngay từ lúc sơ sinh. Atticus đi máy bay vào năm bảy, tám tháng tuổi, có lẽ là cậu bé trẻ nhất trong giòng họ hai bên đáp phi cơ?
Từ đó, lễ Giáng sinh hằng năm, Atticus và bố mẹ đón Chúa ra đời cùng ông bà ngoại, sáng hôm sau cả gia đình ra sân bay về dự Tết Dương lịch bên nội. Ngày vui qua mau, sau hai tuần đầu năm những cánh chim lại tung bay khắp bốn phương trời. Năm 2020 và 2021 thảm hoạ “Wuhan virus” ập xuống nhân loại. Phi trường đóng cửa, trường học cũng không, gia đình trải qua hai năm xa cách. Ngày tháng mất đi hương vị cuộc đời! Ông bà nội sống âm thầm, trông mong ngày cuối tuần Facetime với cháu, phương tiện thông tin điện tử làm sao chuyển được nhịp đập của trái tim? Làm sao Atticus thấy được nước mắt bà nội, cách xa gần một nửa chiều ngang nước Mỹ?
Đôi vợ chồng trẻ 47 năm trước, giờ đây tóc đã bạc, sức khoẻ cũng kém, và quỹ thời gian chẳng biết còn bao nhiêu? Tết Dương lịch 2022, Atticus cùng bố mẹ về thăm ông bà nội, cậu ta lớn như thổi! Mới ngày nào ông nội còn đeo trước ngực đi shopping, gục mặt vào ngực ông, cháu ngủ thật ngoan, chuyện xưa như cổ tích. Giờ đây Atticus hít xà ngang nâng đầu qua khỏi xà ba lần, lộn vòng, leo lên cao nhất của những bức tường dùng để tập leo núi ... Ông bà chỉ biết đứng tim nhìn! Tre già, măng mọc, một thế hệ Việt Nam pha trộn giòng máu tây phương đang vươn lên. Chỉ vài năm nữa, Atticus sẽ cao hơn bố con, cao hơn ông bà, hành trình Việt Nam vươn ra khắp thế giới.
Một buổi chiều, trước ngày lên đường trở về khung trời xa xôi, Atticus đứng một chỗ khóc. Nước mắt chảy vòng quanh, cha mẹ, ông bà hỏi, sao con khóc? Giọng nhẹ nhàng thật dễ thương, “I don’t know.” Hai năm xa vắng, đổi lấy hai tuần ngắn ngủi! Chẳng ai biết thật sự lý do của những giọt nước mắt trẻ thơ!
Nhưng vợ chồng mình biết rõ quỹ thời gian của đôi ta ngắn đi rất nhiều! Tiếp tục cuộc sống vô vị, lao vào cuộc chơi mới, dốc toàn thời gian còn lại ra đánh bạc, để rồi sẽ được gì? Chiếc đồng hồ vẫn điểm từng nhịp, lạnh lùng quay từng vòng, ở đây không mấy ai còn dùng lịch treo tường để mỗi ngày thản nhiên bóc một trang. Ác độc hơn, chiếc đồng hồ đeo tay cứ thế nhắc mỗi ngày, giờ qua đi, không xem nó thì đeo làm gì? Đã đeo rồi thì thỉnh thoảng phải xem, quỹ thời gian cứ thế trôi ra sông ra biển, không một chiếc mỏ neo nào có thể giữ lại! Dòng sông cuộc đời lúc êm đềm thong thả, khi phẫn nộ, cuồn cuộn như chực nuốt trôi chúng ta.
Con người bị ném vào cuộc sống, chuyển động không ngừng như một guồng máy cứ thế quay! Trong xáo trộn, chao đảo đó, chúng ta bị chóng mặt, mất phương hướng trở thành nạn nhân của chính suy nghĩ, và hành động của mình. Bình yên sẽ đến, khi thoát khỏi guồng quay, yên tĩnh định lại phương hướng. Anh và em muốn gì trong những ngày tháng ít ỏi còn lại?
Atticus Nguyễn 2015, 2017 & 2022
Một hai năm nữa, nhanh lắm, Atticus sẽ đi học một mình không cần người đưa đón, rồi đạp xe đến trường, thêm một vài năm sau, quay đi quay lại cậu nhóc đã lái xe đi học, có bạn gái, trong khi anh và em lặng lẽ gặm nhắm tuổi về chiều. Ngày nào đôi ta còn bế cháu trong tay, thời gian trôi qua, cháu sẽ dìu chúng ta lên xe, buộc dây an toàn cho ông bà, như ngày xưa Atticus ngồi trên chiếc ghế nhỏ trong xe, ông bà hai bên âu yếm nắm tay cháu.
Khi chúng ta ở tuổi xanh, tóc chưa bạc mầu, nhìn lên trời ngàn vì sao muốn nắm bắt tất cả, trăm giấc mơ ai cũng muốn thực hiện. Hành trang mang theo trĩu nặng, khiến con người không thể bay cao. Lúc tuổi đời chồng chất, mình mới nhận ra túi đeo lưng có quá nhiều thứ không cần thiết, vô dụng, sao ta cứ mang hoài?
Sau ngày tiễn Atticus ra phi trường tháng 1/22, vợ chồng chợt nhận thấy cảm giác hụt hẫng, cậu bé một tay kéo chiếc luggage nặng trĩu, lưng đeo school bag, và đi nhanh hơn người lớn. Chẳng cần nhìn đâu xa, hình ảnh bằng ngàn lời viết. Atticus, can you walk slowly so I can follow you? Làm sao đòi hỏi cháu trai lên sáu, đầy năng lượng, phải đi chậm lại như ông già trên 70? Anh cảm nhận ngay một chân lý: Chúng ta phải nhanh chóng xoá bớt khoảng cách không gian, hoặc sẽ từng bước mất cháu, vì quỹ thời gian không chờ đợi. Chúng mình chạy đua với thời gian, không phải để bắt kịp hay quay ngược lại, có chăng chỉ là mong muốn nhỏ nhoi, được sống bên nhau hạnh phúc những ngày còn lại.
Có những mong ước đem ra so sánh với thời gian, chúng ta biết bên nào thắng. Anh và em rất may mắn được những người bạn mới quen qua sự giới thiệu, mời đi California thăm một trong những nơi làm việc của anh ấy. Thật là thú vị, mở ra chân trời mới anh có thể dành trọn công sức và thời gian đóng góp cho những gì mình mong muốn từ bao nhiêu năm nay. Đam mê như chưa bao giờ được như thế, dĩ nhiên từ mơ ước thành hiện thực là một hành trình không đơn giản.
“Man proposes, God disposes” Con người có quyền mong muốn, nhưng Thượng Đế có cho không lại là chuyện khác! California vẫn là một khung trời xa lạ với chúng ta, mọi người ở đây bận rộn, quay cuồng hầu như không phút nào nghỉ ngơi, dòng xe chạy trên xa lộ đông như mắc cửi, điện thoại reo liên hồi, quán ăn tấp nập, những ngôi nhà bạc triệu chỉ là chỗ nghỉ lưng qua đêm không hơn không kém, vì mấy ai có thời giờ để thưởng thức sự giầu sang? ... Nếu New York được biết đến là thành phố đêm không ngủ, thì Westminster sẽ là ngày không dứt. Sau chuyến đi anh đã thấy, mình không thuộc về thế giới bận rộn này! Gã nhà quê thích tĩnh lặng, làm bạn với những chú Sóc vô tư trong vườn. Ngồi thả hồn nhìn qua khung cửa sổ, những chú Sóc chạy đuổi nhau, thỉnh thoảng là một bầy quạ đen đáp xuống bắt Sâu, chúng hoà thuận bên nhau, không cãi cọ, tranh chấp. Thế giới bình an, 24 giờ hạnh phúc, chúng ta may mắn tột cùng! Còn biết thưởng thức vẻ đẹp tạo hoá ban cho.
Anh đã nhiều lần đánh bạc với cuộc đời, từ ngục tù cộng sản, ươm giấc mơ ngày trùng phùng, đưa em đi lễ nhà thờ đêm Giáng sinh, và anh đã băng rừng, lội suối, chấp nhận bị săn đuổi, nếu số phận không may, bị bắt sẽ là tử hình. Trốn tù, đi 10 ngày trong rừng để đoàn tụ bên em, anh làm được. Tổ chức vượt biên, hai lần thất bại, hai lần vào tù, nếm mùi Chí Hoà sáu tháng, và cả hai lần sau đều vượt ngục về bên em, có gì khó đâu? Lần thứ ba ra đi trên chiếc ghe nhỏ, dài 12 thước, dự tính 45 người, để rồi sáu ngày lênh đênh trên biển cả, đến được bến bờ Pulau Bidong, Mã Lai, chiếc ghe chuyên chở không phải là 45, con số lên đến 116 thuyền nhân! Chúng ta biến giấc mơ thành hiện thực, cám ơn Thượng Đế đã che chở, bảo bọc và dẫn đường. Những canh bạc lớn, đánh đổi bằng sinh mạng chúng ta đã thắng, không nhà tù cộng sản nào có thể giam được ý chí của tự do, trại súc vật hay sở thú là địa chỉ của khỉ, không phải người.
Hình minh hoạ | Photo credit: Unknown
Thời gian của hơn 40 năm trước khác hẳn hôm nay! Số tiền hai chúng ta để trong ngân hàng mang tên “thời gian” càng ngày càng ít đi, không bao giờ thêm vào, cậu cháu nội đích tôn Atticus cũng thế thôi! Như kẻ đánh bạc, dù cả đời anh chưa bao giờ dính vào cờ bạc. Nhưng khi tiền còn ít, rất ít, thì làm sao dám liều lĩnh phung phí?
Đức Phật dậy, “Thành công không phải là chìa khóa của hạnh phúc. Hạnh phúc chính là chìa khóa của thành công. Nếu bạn yêu thích những gì bạn đang làm, bạn sẽ thành công.” [Success is not the key to happiness. Happiness is the key to success. If you love what you are doing, you’ll be successful.] Tuổi trên 70 không thể hành động như người 30, anh phải chọn lựa giữa thời gian và giấc mơ, theo suy nghĩ đó thì việc này không mấy khó. Vợ chồng mình cần phải dọn nhà về gần Atticus, thế là chúng ta hạnh phúc rồi!
Cám ơn em đã đồng hành cùng anh trong hành trình 47 năm qua. Cám ơn em đã cho anh cả tâm hồn lẫn thể xác, ngày 9/2/22 chúng ta mừng 47 năm thành hôn với một quyết định nhanh hơn điện tử. Lên đường về miền gió tuyết! Tạm biệt ngôi nhà may mắn chúng ta ở cả chục năm nay, dọn về gần Atticus cho dù nơi đó tuyết rơi ngập đầu gối. Công việc đầu tiên anh làm trên nước Mỹ là đi đánh cá tại Alaska, đã quen với thời tiết khác thường, chấp nhận tuyết phủ kín sân nhà nhưng lòng ấm áp vì gần cháu, một đổi chác không có gì phải hối hận.
Bạn bè khuyên anh hãy về miền nắng ấm như California, Florida, Texas cho hợp với người lớn tuổi, gần gũi sinh hoạt người Việt. Xin cám ơn tất cả, nắng ấm ở ngoài nhưng lòng băng giá, xa con, xa cháu, cả năm mới gặp hai tuần, không phải là quyết định thông minh. Ở đây vắng bóng cà phê Thu Hương hay quán Hồng nơi cuối đường Pasteur của Sài Gòn năm xưa, anh không thích cái không khí Starbucks, cũng không có những quán cà phê ngồi trên vỉa hè Paris như vợ chồng mình từng thưởng thức, anh cũng bỏ hút thuốc gần 40 năm nay, còn đâu cà phê pha Rhum và tác phẩm của Phạm Công Thiện in bởi nhà xuất bản Lá Bối, An Tiêm? Anh thật sự cần yên tĩnh! Yên tĩnh viết sách, để lại cho em và các con. Một khuấy động duy nhất anh hạnh phúc đón nhận, đó là có Atticus ở gần. Hạnh phúc nhỏ bé bao giờ cũng dễ đạt hơn khi tuổi đời càng cao.
Không ai giữ được thời gian ngừng trôi, nhưng chúng ta có thể làm hành trình còn lại mỗi ngày là một hạnh phúc nhỏ nhoi. Vất tất cả phù du, mộng mị, ném đi những ưu phiền, tranh chấp vô ích. Tiền bạc nhiều để làm gì, khi mỗi bữa chúng ta chỉ ăn được chừng đó cơm, tối đi ngủ cũng trên một chiếc giường quen thuộc, và khi nằm xuống sáu miếng ván khép lại một kiếp người. Nhưng một giờ bên thằng cháu yêu thương đúng là một trời hạnh phúc. Dù chỉ là hai tuần hay một tháng gặp nhau ngày cuối tuần, nhưng vẫn còn hơn một năm đổi lấy hai tuần! Hạnh phúc, những gì trân quý nhất con người cần đến đều có giá phải trả, không hề miễn phí!
Một vị Thiền sư người Nhật, tu hành trong mái nhà tranh đơn sơ giữa rừng. Ngày kia, cơn gió lốc thổi bay mái nhà, không hề giận dữ, vị Thiền sư cảm tạ cơn bão, vì từ nay trở đi Ngài có thể nhìn trăng sao trên trời. Chúng ta không cần ngôi nhà lớn, nhỏ cũng chẳng sao, đỡ phải dọn dẹp nhiều. Cũng chẳng cần khoe ai trị giá ngôi nhà sắp đến, vì nó vô giá, vợ chồng mình chỉ cần đi bộ, hay lái xe vài phút là đến nhà Atticus, từ nay trở đi ông bà sẽ bên cháu thêm vài năm nữa trước khi cháu bay nhẩy một mình, vô giá là ở chỗ đó. Có ai cân đo đong đếm hạnh phúc bằng tiền tài, vật chất đâu?
Bốn mươi năm trước gia đình chúng ta đem sinh mạng ra đánh đổi tự do, canh bạc trả giá quá cao! Hai vợ chồng tuổi trên dưới 30 không nói làm gì, nhưng còn hai con nhỏ, cậu con trai lớn lên 7, bố Atticus lên 3, và cậu út còn trong bụng mẹ, ai cho chúng ta cái quyền mang sinh mạng con ra đánh bạc? Cũng may, trải qua sáu ngày lênh đênh trên biển cả, Thượng Đế đã dìu chúng ta đến bến bờ, xin muôn vàn cảm tạ Ngài.
Dịp may không đến nhiều, ở tuổi trên 70 quỹ thời gian không còn bao nhiêu! Có lẽ đến tuổi này, chúng ta mới khôn ra để cảm nhận tất cả là hư ảo phù du!
LÊN ĐƯỜNG
Lần ra đi đầu tiên, xa nhất trong đời, gia đình chúng ta gói ghém nhau trên chiếc ghe mong manh vượt biển từ Việt Nam qua Malaysia đã cách đây gần 40 năm. Quãng đời từ tuổi 30 đến 70 tạm đủ để thưởng thức hương vị cuộc đời, vợ chồng mình đã đi thăm trên dưới 20 quốc gia. Lên đỉnh cao tháp Eiffel nhìn toàn cảnh Paris, đi thuyền trên giòng sông Sein, xem lễ nơi Giáo đường Notre Dame de Paris. Đáp xe lửa qua Ý, cầu nguyện trong Giáo đường Thánh Phero, Vatican. Đến tận chân Bức tường Ô nhục Bá Linh chia đôi nước Đức, dành nguyên một ngày thăm trại tập trung người Do Thái Sachsenhausen Concentration Camp, ra về hai vợ chồng đi bộ trên đường phủ đầy tuyết. Làm sao quên được Jerusalem cầu nguyện nơi Bức tường Than khóc. Đặt chân lên đất Palestine, và cảm nhận cuộc chiến tranh có lẽ không bao giờ chấm dứt! Thế hệ trẻ thơ Palestine học hận thù, ném đá, nhiều hơn yêu thương, và bên này biên giới, thanh thiếu niên Israel súng đạn trên vai khắp mọi nơi. Anh yêu miền đất hứa, quê hương Việt Nam chúng ta trong tương lai, sau khi quét dọn bọn khỉ bác và đảng, chúng ta cần phải trang bị vũ khí, thanh thiếu niên trên 18 tuổi phải nhập ngũ, mô hình xã hội Do Thái cần phải áp dụng khi chúng ta ở cạnh một anh khổng lồ Trung cộng.
Dưới đáy ngọn núi lửa Tangkuban Perahu, Bandung, Indonesia lần phun lửa mới nhất ngày 26/7/2019 – Photo credit: NTT
Đi là sống trọn vẹn cho mình, leo lên đỉnh cao nhất của Sydney Harbour Bridge, hay đứng trên miệng núi lửa ngủ yên Tangkuban Perahu, tại Bandung, Indonesia. Thăm những ngôi Chùa mái nạm vàng lấp lánh Miến Điện cho chúng ta bình yên tâm hồn như giây phút quỳ lạy tại giáo đường Thánh Phero, Vatican, đền Đức Mẹ Lộ Đức, Lourdes, Pháp, hoặc Thánh địa Fatima, Bồ Đào Nha. Không có dịch “Wuhan virus” chúng ta sẽ còn đi nhiều nơi nữa, đi để biết thế giới. Quan trọng hơn cả, như một con tầu khao khát ra khơi đến những bến bờ mới lạ. Con tầu đóng ra không phải để bỏ neo muôn đời ở một bến, nó sẽ ra khơi, chịu muôn ngàn sóng gió, trước khi tạm dừng ở một bến cảng nào đó. Toa xe lửa, mang chung một số phận, nó sẽ cất lên những hồi còi vang âm thật xa, lăn bánh đến một sân ga xa vời, toa xe lửa không đi trở thành phế thải. Con người có khác gì?
Lên đường để biết mình còn sống! Khám phá thêm một chân trời mới lạ! Hạnh phúc thay khi được bận rộn thu xếp hành trang!
Từ ngày quyết định về gần Atticus, chúng mình cảm thấy vui vô cùng, mỗi ngày là một hồi hộp, sắp đặt, bận bịu. Sửa soạn hành trang giúp anh và em trẻ lại. Cũng chẳng khác gì mấy với anh chị em, bạn bè chúng ta ở California hay New York, có chăng là họ bận rộn với giòng đời và chúng ta bận rộn với hạnh phúc của tuổi già.
Chuyến đi nào cũng để lại mất mát, không phải đồ đạc, vật chất, nhưng là tinh thần. Em trở nên bận bịu chăm sóc ngôi vườn xung quanh nhà chúng ta sắp chia tay, anh ray rứt, nắm vịn cầu thang từ tầng dưới lên trên như chỉ sợ tan vỡ. Căn phòng, ngôi nhà đã bao lâu nay, giờ sắp phải chia tay. Chúng ta sẽ dọn dẹp thật kỹ, lau chùi bóng bẩy từng góc nhà, ngăn tủ, không hẳn là để bán cho được giá. Không phải thế, chúng ta có bổn phận cảm ơn ngôi nhà đã bao dung gia đình bao nhiêu năm nay, cảm ơn những người hàng xóm Mỹ hiền lành, sẵn sàng giúp bất cứ lúc nào chúng ta nhờ đến. Cảm ơn cậu bé ở cách vài ba nhà mang tên Chase, bao giờ cũng sẵn sàng đứng nói chuyện hằng giờ với hàng xóm lớn tuổi. Sẽ nhớ mãi những chú Sóc thân thiện, ngày nào cũng đứng ngoài sân, chắp hai chân trước, nhìn vào nhà hỏi thăm, hôm nay có đậu phộng cho tôi không? Nhớ bốn cây Anh đào trong vườn sau nhà, không biết gia đình còn dịp nhìn thấy hoa Anh đào nở trước khi chia tay? Nhớ những cây Thông cao vút, nhớ những con đường đẹp hơn cả Đà Lạt uốn khúc dưới rừng Thông bạt ngàn. Tất cả sắp trở thành kỷ niệm!
Mỗi chuyến đi để lại một dấu ấn khác biệt. Khi gia đình chúng ta tìm đường vượt biên, chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ đi về đâu, đến phương trời nào? Sống hay chết trên biển cả bao la, cứ thoát khỏi địa ngục cộng sản là tốt rồi. Đắm mình trong đại dương mênh mông, chẳng thấy đâu là bến bờ, vẫn hạnh phúc hơn ở sống nơi cờ máu treo la liệt khắp nơi! Hành trang mang theo càng ít càng tốt, nước và một chút lương khô cầm cự. Con chúng ta không thể lớn lên trong trại súc vật, bố mẹ sẽ đem các con ra khỏi thế giới khỉ cai trị người, nếu Thượng Đế không cho, chúng ta sẽ chết bên nhau. Trên chiếc ghe nhỏ mong manh, anh đã dấu hai khẩu M 72 để sẵn sàng thổi bay bọn hải tặc Thái lan, nếu chúng lại gần, và một khẩu Colt 45 dành riêng cho gia đình mình trước khi cùng nhau đi vào lòng biển cả. Trên đường ra biển lớn, nếu chẳng may gặp tầu, ghe thuyền của bọn cộng sản, chúng ta sẽ đánh ván bài chót cuộc đời. Ba lần tù tội vì chúng, anh không thích lần thứ tư!
Chuẩn bị chuyến đi lần này thoải mái, êm ả hơn nhiều, mất mát chăng là những quyển sách nằm ngay ngắn trên kệ nơi mỗi căn phòng của chúng ta. Phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, khu vực để quần áo, sách khắp mọi nơi! Anh sẽ cho thư viện, bạn bè, hoặc Goodwill, chọn một vài quyển quý giá mang theo. Đó chính là nỗi mất mát lớn nhất của anh. Không phải là con mọt sách, sống với kệ sách đã thành thói quen từ năm tiểu học, sách là người thầy cao quý nhất của anh. Bọn khỉ Trường sơn chiếm đoạt miền Nam, chúng đốt sách không thương tiếc, từ đó anh biết sự khác biệt giữa người và động vật! Hai thế giới khác biệt, không thể sống chung với nhau! Con người, dù có nghèo đói, vô gia cư, nghề nghiệp, sống lang bạt trên đường phố, ngủ bờ ngủ bụi, nhưng có ai vào ngủ trong sở thú đâu?
Ra đi nào cũng để lại những mất mát! Atticus 2016 & Sách | Photo credit: NTT
Chuyến đi nào cũng để lại nhiều lưu luyến, vương vấn, không ai thoát khỏi! Mái nhà thân thương, khu vườn bao quanh với thảm cỏ xanh, những cây hoa được chăm sóc cẩn thận, nở đầy mùa hè. Tuyết rơi trắng xoá mùa đông, và hằng đoàn chim bay hình chữ V trên vòm trời trong sáng. Tất cả, hãy lưu vào viện bảo tàng của quá khứ.
Ngày mai chắc chắn sẽ không giống hôm nay. Tuyết ở thành phố mới sẽ nhiều hơn nơi đang ở, dù thế nào đi nữa, vui hay buồn chúng ta không được phép hối tiếc! Hạnh phúc sẽ đến với những ai biết trân trọng hôm nay, không phải quá khứ, cũng đừng thắc mắc về ngày mai.
nguyễn tường tuấn
14/2/22
rabienlon55@gmail.com
Happy Valentine's day Anh chị Nguyễn tường Tuấn.Cam ơn bạn nhiều với món quà Valentine gửi tặng quý độc giả thân thương xa, gần bằng chính ❤️ của mình.
ReplyDeleteChúc mừng năm thứ 47 Ngày Thành Hôn của Anh Chị
Đồng cảm �� với quyết định chọn nơi ở mới của Anh Chị
Hello Chú,
ReplyDeleteHôm nay được nhìn thấy cháu Atticus, thật dễ thương.
Mới đây đã 6 năm rồi, nhanh quá.
Chúc Cô Chú luôn khỏe bình an.